Combo 2 Cuốn: Bình Luận Khoa Học Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự Năm 2015 (Bìa Mềm) + Bình Luận Khoa Học Bộ Luật Hình Sự Hiện Hành (Sửa Đổi Bổ Sung 2017 - Bìa Cứng)
Combo 2 Cuốn: Bình Luận Khoa Học Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự Năm 2015 (Bìa Mềm) + Bình Luận Khoa Học Bộ Luật Hình Sự Hiện Hành (Sửa Đổi Bổ Sung 2017 - Bìa Cứng)
1/ Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS-Bìa Cứng, khổ sách : 16 x 24 cm) được Quốc hội Khóa XIII thông qua và có hiệu lực thi hành từ 01/01/2018, dựa trên cơ sở tổng kết thực tiễn hơn 10 năm thi h...
Giới thiệu Combo 2 Cuốn: Bình Luận Khoa Học Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự Năm 2015 (Bìa Mềm) + Bình Luận Khoa Học Bộ Luật Hình Sự Hiện Hành (Sửa Đổi Bổ Sung 2017 - Bìa Cứng)
1/ Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS-Bìa Cứng, khổ sách : 16 x 24 cm) được Quốc hội Khóa XIII thông qua và có hiệu lực thi hành từ 01/01/2018, dựa trên cơ sở tổng kết thực tiễn hơn 10 năm thi hành BLTTHS 2003, có nhiệm vụ và vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân, tạo môi trường ổn định cho sự phát triển kinh tế – xã hội, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Tinh thần đổi mới quyết liệt trong BLTTHS 2015 đáp ứng được yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới, phù hợp với chủ trương cải cách tư pháp, ghi nhận trong Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002, Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 26/5/2005, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005, Kết luận số 79-KL/TW ngày 28/7/2010, Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị và Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần X, XI của Đảng. Đặc biệt, BLTTHS 2015 đã thể chế hóa các quy định mới của Hiến pháp 2013 trong việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, bổ sung nhiều nguyên tắc tư pháp tiến bộ, bổ sung và làm rõ hơn nhiệm vụ của Tòa án và Viện kiểm sát khi thực hiện chức năng Hiến định. BLTTHS 2015 cũng phản ánh quá trình Việt Nam đã tham gia nhiều tổ chức quốc tế, tổ chức khu vực và trở thành thành viên của nhiều điều ước quốc tế đa phương trong lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm; cũng như các Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù với các nước trên thế giới.
Ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung BLTTHS 2003 được Quốc hội thành lập đã tiếp thu và thể hiện quan điểmxây dựng BLTTHS 2015 thực sự khoa học, tiến bộ, có tính khả thi cao; là công cụ pháp lý sắc bén để đấu tranh hữu hiệu với các loại tội phạm; ghi nhận đầy đủ và đề cao trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân đã được Hiến định; góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu: “Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam XHCN”, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế. Đồng thời, xuất phát từ điều kiện cụ thể của Việt Nam, BLTTHS 2015, một mặt khẳng định tiếp tục duy trì và phát huy những ưu điểm của mô hình tố tụng hình sự thẩm vấn; mặt khác, tiếp thu có chọn lọc những hạt nhân hợp lý của mô hình tố tụng hình sự tranh tụng, phù hợp với truyền thống pháp lý, văn hóa, điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội cụ thể ở Việt Nam. BLTTHS 2015 thể hiện và bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với các luật mới được Quốc hội ban hành; tạo nền tảng pháp lý thuận lợi cho việc hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên liên quan đến tố tụng hình sự; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng BLTTHS.
Công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục và triển khai các biện pháp nhằm thi hành có hiệu quả, đạt được mục tiêu và quan điểm nêu trên có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đưa BLTTHS 2015 đi vào đời sống và thực tiễn tố tụng hình sự. Trên tinh thần đó, với tư cách là Trưởng Ban soạn thảo dự án sửa đổi, bổ sung BLTTHS 2003, tôi đánh giá cao và rất vui mừng trước nỗ lực cá nhân của GS.TS. Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh- Cục trưởng Cục pháp chế và cải cách tư pháp (Bộ Công an), Tổ phó Tổ biên tập và Luật sư TS. Phan Trung Hoài- Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam- Thành viên Tổ biên tập,là đồng chủ biên, cùng các tác giả khác đã hoàn thành và được Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia- Sự thật xuất bản quyển sách “Bình luận khoa học Bộ luật tố tụng hình sự 2015”.
Từ một số kết quả nghiên cứu và sự trải nghiệm trên các cương vị công tác khác nhau, các tác giả đồng chủ biên đã tích cực tham gia và có nhiều đóng góp trong quá trình Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng dự thảo BLTTHS 2015 trình các cơ quan thẩm định và Quốc hội thông qua. Các tác giả đã cố gắng diễn giải một cách cụ thể nhưng cô đọng tinh thần và nội dung của từng Điều luật, giải quyết các tình huống phát sinh từ thực tiễn trong một quyển sách đầy đặn. Đây là một tác phẩm xuất bản không chỉ có giá trị về mặt khoa học pháp lý, mà còn mang tính thực tiễn cao, giúp các nhà nghiên cứu, các chủ thể tiến hành và tham gia tố tụng, các cán bộ trong các cơ quan pháp luật và các sinh viên ngành luật có thể tham khảo trong quá trình công tác, học tập của mình.
Tôi trân trọng giới thiệu quyển sách “Bình luận khoa học Bộ luật tố tụng hình sự 2015” và mong nhận được sự đóng góp ý kiến để các tác giả tiếp tục hoàn thiện và cập nhật trong thời gian tới.
Trích theo Lời mở đầu cuốn sách do PGS. TS NGUYỄN HÒA BÌNH – Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
2/ Cuốn sách Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự (hiện hành) (Sửa đổi, bổ sung năm 2017-Bìa Mềm, khổ sách : 19 x 27 cm) được biên soạn với sự tham gia của tập thể tác giả là những nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, do tác giả TS. Nguyễn Đức Mai làm chủ biên. Các tác giả đã sử dụng văn bản Bộ luật Hình sự được nhất thể hóa từ Bộ luật Hình sự năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 và các văn bản hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán hiện còn hiệu lực cũng như các điều luật của các luật có liên quan nhằm làm rõ hơn nội dung các quy định trong Bộ luật này.
Sau hơn 15 năm áp dụng Bộ luật Hình sự năm 1999, mặc dù đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 nhưng Bộ luật Hình sự năm 1999 vẫn bộc lộ rõ nhiều bất cập, nhiều quy định không còn phù hợp với thực tiễn, nhiều vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật hình sự, đồng thời không đáp ứng được các yêu cầu về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, hệ thống pháp luật và cải cách tư pháp ở nước ta. Nhằm khắc phục những bất cập của Bộ luật này, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII đã thông qua Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13. Các quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung rất cơ bản, có nhiều nội dung quan trọng và hoàn toàn mới so với Bộ luật Hình sự năm 2009, sửa đổi, bổ sung năm 2009. Tuy nhiên, do nguyên nhân khách quan và chủ quan trong quá trình soạn thảo và thông qua, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bộc lộ khá nhiều sai sót cả về mặt nội dung lẫn kỹ thuật lập pháp cần được khắc phục trước khi thi hành. Chính vì vậy, Bộ luật Hình sự năm 2015 và các đạo luật liên quan đã bị lùi hiệu lực thi hành. Cho đến ngày 20-6-2017, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 gồm 426 điều, được bố cục thành 3 phần với 26 chương, có nhiều điểm mới so với Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 với định hướng: xây dựng Bộ luật Hình sự phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước sau Hiến pháp năm 2013; phát huy hơn nữa vai trò của Bộ luật Hình sự với tư cách là công cụ pháp lý sắc bén, hữu hiệu trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh của đất nước,…
Cuốn sách Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự (hiện hành) (Sửa đổi, bổ sung năm 2017) ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu nội dung, các quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 của độc giả, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, và mọi người dân để đưa pháp luật đi vào cuộc sống. Qua đó, độc giả cũng thấy rõ hơn chính sách hình sự nghiêm minh, đồng thời mở rộng sự khoan hồng, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và mở rộng giao lưu, hợp tác nhiều mặt với các nước của Nhà nước ta.
Thông qua việc nắm bắt nội dung Bộ luật Hình sự và hiểu rõ các nội dung sửa đổi, bổ sung qua từng thời kỳ, tập thể tác giả đã trình bày một cách mạch lạc, khoa học văn bản Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 đồng thời phân tích, bình luận, đánh giá dưới góc độ khoa học một cách cô đọng, súc tích nhưng vẫn khái quát được những quy định mới của Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 so với bộ luật cũ. Trên cơ sở bám sát nội dung các chương, các điều của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, ở từng điều luật cụ thể, các tác giả đã khái quát nội dung, đối chiếu với thực tiễn thi hành pháp luật về khách thể của tội phạm, mặt khách quan của tội phạm, mặt chủ thể của tội phạm, mặt chủ quan của tội phạm và hình phạt cụ thể… làm cho các điều luật được giải thích rõ ràng, dễ hiểu.
Từ đó cho thấy, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển ở mức cao hơn những nguyên tắc, chế định pháp luật hình sự của nước ta từ năm 1945 đến nay, nhất là của Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) cũng như những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm trong nhiều thập kỷ qua của quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhìn một cách tổng quát, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 có nhiều nội dung đổi mới, bao quát cả phần những quy định chung lẫn phần các tội phạm cụ thể, các điều khoản thi hành. Trong đó có những nội dung mang tính đột phá trên tinh thần đổi mới tư duy, đổi mới nhận thức về chính sách hình sự, về vấn đề tội phạm hình phạt, thể hiện tinh thần chủ động phòng ngừa và kiên quyết đấu tranh chống tội phạm, thông qua hình phạt để răn đe, giáo dục, phòng ngừa, nhiều luật được sửa đổi theo hướng bảo vệ quyền con người.
Với việc sử dụng phương pháp so sánh, phân tích, bình luận, các tác giả đã một lần nữa khẳng định, Bộ luật Hình sự (hiện hành) đã được sửa đổi, bổ sung những nội dung phù hợp với thực tiễn hình sự và điều kiện của Việt Nam. So với Bộ luật Hình sự trước đây, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 đánh dấu một bước tiến quan trọng trong tư duy lập pháp hình sự, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm có hiệu quả, góp phần bảo vệ quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước và tổ chức, bảo vệ và thúc đẩy kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa phát triển đúng hướng, tạo môi trường xã hội và môi trường sinh thái an toàn, lành mạnh cho mọi người dân, đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Bộ luật đã phản ánh được những yêu cầu, đòi hỏi bức thiết của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới của đất nước và cũng là mong đợi của đông đảo quần chúng nhân dân.
Với giá trị đó, cuốn sách Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự (Hiện hành) (Sửa đổi, bổ sung năm 2017) do tác giả TS. Nguyễn Đức Mai làm chủ biên, sẽ là nguồn tài liệu quý cho những ai muốn tìm hiểu và nghiên cứu sâu về Bộ luật hình sự hiện hành.
Giá sản phẩm trên Tiki đã bao gồm thuế theo luật hiện hành. Bên cạnh đó, tuỳ vào loại sản phẩm, hình thức và địa chỉ giao hàng mà có thể phát sinh thêm chi phí khác như phí vận chuyển, phụ phí hàng cồng kềnh, thuế nhập khẩu (đối với đơn hàng giao từ nước ngoài có giá trị trên 1 triệu đồng).....