RỪNG GIÓ - HÌNH BÓNG THẾ GIAN NHIỀU CHIỀU ĐA SẮC
Với dung lượng gần 176 trang, RỪNG GIÓ có 11 truyện ngắn, nội dung của các truyện xoay quanh các vấn đề về cuộc sống, gia đình, xã hội, Đặc trưng vùng đất cao nguyên bảng lảng trong văn Thủy, với nhiều bối cảnh sống khác nhau, với nội tâm trăn trở của các tuyến nhân vật qua từng trang sách. Truyện của Thủy thường viết về tình yêu, về người phụ nữ khi yêu trong cuộc sống hiện đại, đau đáu về những số phận, về sự lựa chọn của những con người qua những cốt truyện không có không gian và thời gian.
Lê Vi Thủy viết truyện theo cảm xúc, với lối viết nhẹ nhàng, cùng đồng cảm, ngậm ngùi và cùng giằng xé với số phận của nhân vật, Thủy khiến cho độc giả cảm thấy xót xa hơn cho từng cuộc đời, những tấn bi kịch trong cuộc sống hiện đại. Thủy viết câu chuyện một cách tự nhiên, không định hình trước cho mình kết cấu cũng như cái kết của câu chuyện, cứ để câu chuyện diễn biến tự nhiên theo cảm xúc của nhân vật, đến cuối cùng sẽ bật lên những nổi đau, những số phận nghiệt ngã, những ám ảnh mà cuộc sống quyết định.
Truyện của Thủy thường không xây dựng cốt truyện cầu kỳ, mà tuyến nhân vật tự xây lên cốt truyện của chính mình. Thủy thường viết về những người trẻ tuổi, những nông nổi, những khát vọng yêu thương…
Mỗi câu chuyện của Thủy viết là một trải nghiệm hoàn toàn khác nhau, với những lát cắt của tuổi thanh xuân, có sai lầm, có đớn đau, có yêu thương, có thù hận. Tất cả như trút vào trang sách những nỗi niềm mà mỗi người đọc đều chạm thấy mình trong sâu thẳm tâm hồn.
Trong tập này, Lê Vi Thủy lồng ghép một vài truyện ngắn có yếu tố hư ảo, đây có lẽ là một trải nghiệm mới đối với tác giả. Vẫn giữ lối viết tự nhiên, không gò bó vào kết cấu câu chuyện, Thủy đã đưa người đọc về với đại ngàn, với lời nguyền xưa của Sói, bao trùm lấy nỗi sợ của dân làng truyền từ đời này sang đời khác, nó đánh dấu bằng những giấc mơ không đầu không cuối, khi trăng tròn xuất hiện trong truyện ngắn “Trăng đỏ” mà nhân vật chính đang sống trong một Thế Giới hiện đại với những hỉ nộ ái ố đang diễn ra hàng ngày xung quanh cô. Hay Thế Giới song song diễn ra trong đời thực giữa hai con người bị tráo đổi linh hồn, họ đã chứng kiến người canh giữ ánh sáng và bóng tối chuyển giao, khi những gút mắc về cuộc sống được hóa giải, những con người trở lại vị trí ban đầu của họ (truyện ngắn “Hoa Tiên”).
Hình ảnh bé Mủm luôn là bí ẩn xuyên suốt câu chuyện “Tấm liễn gia tộc” mà người con trai của gia đình đi tìm khi những tấm liễn của dòng họ bị trộm mất, mỗi lần anh suy nghĩ là mỗi lần anh lại gặp bé Mủm hư hư thực thực…
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà đã nhận xét: “Lê Vi Thủy dựng những câu chuyện như cách vẽ ra những bức họa nhiều tầng ngữ nghĩa. Có gì đó ám ảnh, không phải chỉ là những khắc họa hình thù trên mặt đất này, mà còn là hình bóng của thế gian nhiều chiều, đa sắc, âm vọng, ma mị. Đọc văn Thủy có cảm giác tác giả này từng trải trên từng con chữ, rồi lùi ra xa, mặc kệ độc giả với những hình dung bằng sự trải nghiệm của họ. Hãy đọc Thủy, để có thêm một không gian riêng mình”.
Rừng gió - Lê Vi Thủy
Sbooks phát hành
DA GẤU VÀ CHUYỆN TRƯƠNG BỐN
TẬP TRUYỆN NGẮN THIÊN GIỌNG GIỄU NHẠI
Hãy cùng tác giả trải nghiệm qua những câu chuyện đời có thật hoặc hình như có cũng hình như không, mà vẫn góp phần tạo nên mạch sống tinh thần xã hội:
Chuyện Trương Bốn, Tình ca du mục, Người da gấu năm 20xx, Tác phẩm chưa kịp để đời, Chuyện chuột ăn muối, Diva xóm phố, Nhà từ thiện, Số đen, Cào cào bay lên, Khẩu chiến, Báu vật của đại gia, Ngồi mâm trên, Vô cùng thương tiếc, BG, Máu nóng, Đại hiệp và phu nhân, Những con sâu.
17 truyện ngắn trong tập truyện này đề cập đến muôn màu của đời sống hôm nay, kể cả khi tác giả lấy cảm hứng từ điển tích hay cổ tích, nhưng đều được viết bằng phong cách hài hước mang dấu ấn riêng. Có cảm giác như tác giả sử dụng ngay cả phương pháp ngoa dụ của Chèo để diễn tả mọi thứ. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, khi Nguyễn Toàn Thắng đã gắn bó nhiều năm với sân khấu với các kịch bản được dựng đủ thể loại từ kịch nói, chèo, cải lương…Cũng chính vì thế, mà các truyện ngắn trong tập truyện này đều được kể rất kịch tính, khiến cho người đọc sẽ phải theo dõi từ dòng đầu tiên đến dòng cuối cùng để biết kết cục ra sao.
Những truyện ngắn trong tập truyện này đa phần đều được viết với phong cách ăm ắp phận đời, lan tỏa tiếng cười để rồi cái kết đầy bất ngờ, nhưng vẫn nhân văn và tươi sáng. Những nhân vật của Nguyễn Toàn Thắng, dù tốt dù xấu, đều đáng yêu và đáng thương. Cách nhìn trìu mến này làm cho những truyện ngắn trong tập trở nên nhẹ nhàng, và đôi khi, dễ cho độc giả soi lại chính mình. Nguyễn Toàn Thắng tung ra một sự kiện, rồi nhân vật biến đổi theo sự kiện, trở thành sự biến như phương pháp cổ điển của sân khấu, để rồi trong dòng sự kiện ấy, các nhân vật sống cuộc đời của mình mà không chịu bất cứ sự sai khiến nào của người tạo ra chúng
Mỗi truyện ngắn, ngoài câu chuyện kịch tính, giọng văn hài hước rất đặc sắn không lẫn vào đâu, thì còn có những tục ngữ mới, những từ ngữ tạo trend của ngày hôm nay.
“Da gấu và chuyện Trương Bốn”, với độ dày 240 trang, là một tập truyện ngắn có độ dày vừa phải, hợp với độc giả ngày hôm nay. Sách do công ty Sbooks liên kết với Nhà Xuất bản Văn Học ấn hành, với lời giới thiệu hấp dẫn của nhà văn Võ Thị Xuân Hà.
Mây tía ngang trời sử dụng cốt truyện bám sát hiện thực đời sống vùng cao, chắt lọc, tinh tế và có tính hướng mở. Những câu hỏi tác giả đặt ra cho vấn đề không gian văn hóa dân tộc miền núi, những va đập trong sự phát triển, tương tác với các cộng đồng bên ngoài, vấn đề gia đình, đạo đức, trách nhiệm, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa tổ tiên… được cân đo trong những tình huống truyện. Những cộng hưởng linh hoạt của các thủ pháp nghệ thuật như miêu tả tâm lý nhân vật, bút pháp đặc tả, kết hợp với các thành phần động của hội thoại, các tác nhân ngoại cảnh… được tác giả sử dụng nhuẫn nhuyễn trong các tác phẩm. Người đọc không có cảm giác nhân vật được “điều khiển” theo ý đồ của người viết, ngược lại người viết phải chạy theo nhân vật, nói và kể như nhân vật phải hành động, suy nghĩ như vốn dĩ, đã là…
Truyện ngắn Nguyễn Luân trước hết đã thể hiện được giá trị văn hóa của vùng đất, con người nơi mạch văn của anh chuyển tải, là những cái đẹp vừa mở vừa ẩn tàng, mang tính biểu đạt giá trị nhân văn cao cả. Bản sắc vùng cao đã được tác giải khéo léo biểu hiện qua ngôn ngữ câu chuyện, trang phục, nhà ở, ẩm thực, phong tục tập quán, tín ngưỡng… và đặc biệt là những tư tưởng, tình cảm, quan niệm về đạo đức, thẩm mỹ, lối sống, tình cảm riêng tư… của mỗi nhân vật trong truyện ngắn. Những đặc tính, bản sắc văn hóa được chắt lọc và kết tinh đời sống văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần của con người miền núi, có tính truyền thừa, vừa phát huy giữ gìn vừa rơi vào những tình trạng biến đổi.Họ là những người mẹ, người vợ hết lòng giữ gìn mái nhà sàn bao đời để Chái không bán đi gia tài vật chất và tinh thần của tổ tiên trong “Bóng người dưới trăng”.Một lão Phếnh thầy mo đầy tâm trạng và sự hy sinh, là chút huyền ảo, tâm linh trong “Mây tía ngang trời”. Tâm thức cộng đồng, đã được những tiểu tự sự đại diện, nói lên tiếng nói chung đặc biệt là về thân phận và tình yêu. Người đọc cảm thương xiết bao trước mối tình ngang trái của Lão Ú và Phín trong “Cánh bướm cuối rừng” và ám ảnh thay một câu van lơn: Ú à, mình làm vợ chồng đêm nay nhé, một đêm thôi cũng được”. Tình yêu và sự chờ đợi thủy chung, là vệt buồn khắc trên rẻo cao, để ngọn gió rừng kêu gào buốt nhói. Là chuyện tình đứt gãy, bi ai của Nhếnh và Pài để rồi gối vào hai trái tim nứt vỡ ấy là một tay Phiến buôn chia lìa đôi lứa trong “Qua mùa lau trắng”. Tình yêu đôi lứa chân chất, sâu đậm trước niềm đau ly biệt. Người đọc sẽ thương cảm cho cô gái Síu trong “Qua mùa gió hú” vì chuyện tình tay ba Síu yêu chàng Slay và chàng Pình lại yêu Síu. Những “lát cắt của đời sống” đã diễn ra những đoạn trường, những mảnh rời da diết, tưởng chừng không có sự bắt đầu cũng không có sự kết thúc.
Tác giả cố gắng để trả lời một điều gì đó rất sâu trong bản chất của con người nói chung và trong cộng đồng miền núi nói riêng trong suốt những câu chuyện. Người đọc chờ đợi một điều gì đó đặc biệt được tạo ra, lẫn lộn trong cuộc hành trình đau đáu về phía bên kia và sự lãng quên. Đó không phải là cảm giác hay suy nghĩ tạm thời, mà là “lối đi chung” của tâm thức nhân văn khi đặt dấu hỏi cho những vấn đề có tính phổ quát.
Nguyễn Luân với tư duy nghệ thuật và vốn tri thức bản địa, là một trong những người trẻ đã vượt thoát ra điển lệ cũ của văn học miền núi ít nhiều chịu nhiều ảnh hưởng của văn học dân gian, văn học viết sơ khai qua nhiều thời kỳ. Tập truyện ngắn là bức phác họa vùng không gianvăn hóa miền núi qua việc mô tả, tường thuật một số hiện tượng, sự kiện, diễn tiến đời sống của nhiều lớp người bằng hệ thống hình tượng, cấu trúc ngôn từ và các thủ pháp nghệ thuật mang dấu ấn đậm nét văn chương khu vực miền núi phía Bắc.
TRUYỆN NGẮN ĐẶC SẮC 2021
Những góc riêng khác
Đọc tập Truyện ngắn đặc sắc 2021, chúng ta có thể hình dung thân phận dân tộc qua từng góc nhìn của nhà văn. Cho dù đó là suy tính của người dân nghèo nơi vùng quê xa xôi, hay tâm thế của giới trí thức thành thị, thì đều phản ảnh rõ nét muôn mặt đời sống hiện tại, là sự tỏ bày sinh động của cái hôm nay của một đất nước đang căng thẳng tranh đấu từng ngày để vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng sống mà làm sao để không đánh mất chính tâm hồn mình.
Các truyện ngắn trong tập, mỗi truyện mỗi vẻ, đều là những sáng tác mới và đặc sắc của các nhà văn, không phân định vùng miền lứa tuổi, đều chung nguồn sáng tạo của năm 2021 đầy biến động.
Chẳng thế nén tiếng thở dài, khi đọc truyện ngắn “Cách một quãng đồng” của tác giả Tống Phước Bảo, truyện ngắn đầu tiên trong tập sách. Kể một câu chuyện dường như muôn năm cũ ở vùng quê nghèo phương Nam, nơi mà từng con người dường như chẳng bao giờ cầm, nắm được số phận của mình nếu như họ may mắn có nổi một số phận, họ chỉ có thể vật lộn mà tồn tại để thất vọng nhìn đời mình bị con tạo tung hứng thật lực ra sao. Trong sự bất ổn thường trực của đời sống ấy, thì chỉ có cái nghèo là bền vững, và những tai họa là xảy ra bền vững. Điểm sáng duy nhất trong đời sống bấp bênh đó, chính là sự bền vững của truyền thống, văn hóa, những tri thức chắt lọc từ chính đau thương trong tai họa được lớp trước trao truyền cho lớp sau.
Thách thức trước những đổi thay do con người tạo ra chưa lường hết hậu quả, thách thức từ thiên nhiên hà khắc bao đời đang dồn lên thân phận người nông dân bám đất, bám quê hương hôm nay. Trước làn sóng di cư mạnh mẽ để tìm sự đổi đời ở nơi khác, thì tâm thế người dân bám trụ quê hương nghèo khó như thế nào? Với hình ảnh Hạc trắng, cây bút tinh tế và cao tay nghề Võ Thị Xuân Hà trong truyện ngắn “Khi Hạc trắng bay về” đã mang đến hình ảnh ẩn dụ về suối nguồn không vơi cạn giúp cho con người nhận ra chính mình và ý nghĩa đời sống của mình: đó là tình thương yêu, sẻ chia không chỉ giữa người với người mà còn giữa người với thiên nhiên, với vạn vật xung quanh.
Còn tầng lớp trung lưu đô thị, nhóm người dường như đang có sẵn nhiều lợi thế, thì cũng đang chới với trước những cơn cuồng phong, cơn bão thông tin và dư luận. Họ có thể bị xô dạt, bị nhấn chìm, và cứ thế mà loay hoay, chơi vơi, để tuột mất sự sống của chính mình, lạc mất hồn mình. Thật là dễ dàng, chỉ cần buổi sáng, mới mở mắt ra, chưa kịp làm gì cho chính mình hay người thân, hay công việc, bạn bật điện thoại thông minh lên và xem vài ứng dụng, vào vài trang mạng xã hội, thế là bạn sập bẫy mà không hay, những cơn bão thông tin, bão dư luận với sức hút và sức phá hủy gớm ghê của chúng sẽ hút bạn vào đó, biến đổi bạn, sử dụng bạn rồi nghiền nát bạn…
Nỗi đau cắt cứa, day dứt thật khó chịu, như khi ta dùng chính một con dao cùn quyết tâm cắt nhay da thịt mình. Đó là cảm giác khi đọc truyện “Đi về vùng thảo nguyên” của Phạm Duy Nghĩa. Truyện lột tả sắc bén chân dung một viên chức có cả tiền và quyền trong tay, nhưng sống mòn với sự tha hóa của chính mình. Anh ta nhận ra điều đó nhưng một mình anh ta không đủ dũng cảm để tự thoát, cho đến khi tìm được người đồng hành. Họ quyết tâm rũ bỏ vũng bùn để vượt thoát, cùng nhau đến vùng thảo nguyên, xây dựng một cuộc sống đúng nghĩa trong lành. Nhưng nhân vật chính, dù cho đã chạy khỏi môi trường làm việc ô nhiễm đạo đức, dù cho bỏ lại căn nhà chục tỷ phía sau, nhưng vẫn không thoát khỏi vũng lầy tâm trí đã vẩn đục quá lâu, đã nhiễm vào máu. Anh ta cố vùng vẫy thoát khỏi vũng lầy đó, nhưng dù chạy đi đâu cũng không thoát, vì anh chính là vũng lầ.
Các tác giả như Kiều Bích Hậu, Hoàng Hải Lâm, Kiều Duy Khánh, Trần Thị Tú Ngọc, Trần Quỳnh Nga, Nguyễn Phú, Lê Quang Trạng, Đỗ Phấn, Đinh Phương, Trần Nhã Thụy, mỗi truyện mỗi vẻ. Chắc chắn đem đến cho bạn đọc những góc riêng khác đặc sắc trong dòng văn Việt Nam hiện đại.
SBOOKS
CỦA THẦN VÀ CỦA NGƯỜI
Tập truyện ngắn gồm 11 câu chuyện. Con số 11 mang tính hai mặt của nó. Thứ nhất vừa là biểu tượng của sự hợp thành của Trời và Đất với sự hoàn chỉnh; thứ hai lại là biểu tượng tội lỗi của loài người và sự nổi loạn của các thiên thần. Ngoài ra con số này lại vừa vặn phù hợp với nội dung các truyện ngắn bên trong.
Bao gồm các truyện với những tên gợi sự kỳ bí, kích thích trí tưởng của người đọc: Đường tới Babel, Ngài Yến và kẻ du hành, Bách Hoa, Bức họa ánh sang, Đá đắng, Ngôn ngữ của Người, Người đội mũ, Cánh điệp nương náu, Đại diện của Thần, Tần số cô độc, Sao sa
“Của Thần và của Người - tên tập truyện ngắn này được rút ra, hợp lại từ hai truyện ngắn “Đại diện của Thần” và “Ngôn ngữ của Người”, đây cũng là tinh thần của toàn bộ cuốn sách: nói chuyện thần đấy mà cũng là nói chuyện người đấy, nói chuyện về ma quỷ đấy mà cũng là nói chuyện về người vậy. Tôi đã chọn lọc và tập hợp các truyện ngắn được viết từ năm 2016 tới nay, theo thời gian, chúng là sự biểu đạt rõ rệt nhất cho sự phát triển và thay đổi dần trong tư tưởng, lối viết trong suốt năm năm” - Theo tác giả Phạm Giai Quỳnh
Dễ nhận thấy tính chất của các truyện bên trong tập đều mang tính “yêu ngôn”, “liêu trai”, thời gian trộn lẫn, đan xen, trong mơ có thực trong thực có mơ. Các nhân vật dù từng xuất hiện trên vũ đài lịch sử hay chỉ là kẻ vô danh đều đang tìm kiếm, có thể là một loài hoa giúp động vật biến thành và sống như con người, là tháp Babel chỉ xuất hiện trong truyền thuyết, là ánh sáng của thời khắc hòa bình, là ngôn ngữ được khắc tạc vào các câu chuyện truyền miệng, là một tri kỷ đồng hành bầu bạn, là các mảnh vỡ quá khứ… Tất thảy đều trên đường với hành trình miên man chẳng ngừng, sống chết đan xen, có kẻ thuận theo ý trời mà sống, cũng có người nghịch chuyển thiên mệnh để xem bản thân có thể đấu lại được với tạo hóa hay không. Ai nấy đều cô độc, sống bên cạnh rìa của xã hội, nếu không gặp được tri âm thì quyết định độc hành cả đời, lang thang khắp chốn, chẳng đậu lại ở bất cứ đâu. Nhưng niềm tin yêu cuộc sống vẫn tràn đầy.
“Thiên địa bất nhân, dĩ vạn vật vi sô cẩu”, chúng sinh vốn hữu tình, không thoát tham sân si hận, nhưng trời đất luôn bình đẳng chẳng vì thiện ác mà phân phát nhiều hay ít.
Trong tình hình đại dịch hiện nay, tập truyện ngắn Của Thần và của Người sẽ mang đến cho độc giả một không gian khác, ở đó chúng ta nhận được những luồng năng lượng khác biệt, để có được đôi cách nhìn nhận Thế Giới theo chiều kích khác.
THỦY HỒ
KHÔNG GIAN QUYẾN RŨ, NHÂN VẬT GẦN GŨI QUANH TA
Thủy Hồ của nhà văn Tống Ngọc Hân với 15 truyện ngắn là 15 câu chuyện kể về những cảnh huống éo le, những nỗi niềm day dứt, thậm chí là cả sự oan nghiệt, trắc trở đang diễn ra từng ngày, từng ngày trong xã hội hiện tại. Những câu chuyện sống động và đầy xúc cảm này, hẳn sẽ khơi gợi lên trong lòng người đọc những nỗi niềm suy tư, những duy nghiệm cho riêng mình. Để rồi mỗi chúng ta đều nhận ra một chân lý rằng: Hành trang đi tìm hạnh phúc trong đời này chính là sự yêu thương, sẻ chia…
Hãy cùng đi dọc con đường trải nghiệm mà nhà văn đã ghi lại bằng những câu chữ đầy nắng gió vùng Đất Tổ quê chị, đầy sương mù bảng lảng của vùng núi Sapa, nơi chị gắn bó nhiều năm.
Đó là những truyện ngắn: Hai chén đầy, Chân gỗ, Chị Dương, Bên kia dòng sông mây, Mùi rừng, Nghiệp đình, Cây sa mộc chết đứng, Tiếng vó ngựa xa, Mừng cụ khỏi ốm, Cuộc sống khác, Tre trắng, Rộc Xoan, Quả trái mùa, Bộ quân phục mới, Thủy Hồ.
Có những cảm giác xúc động và xót xa, khắc khoải và day dứt, đắng đót và tuyệt vọng… nhưng tất cả những yếu tố ấy không làm nên sự bi lụy, đau thương mà dường như nó lại càng làm đầy đặn thêm tình yêu thương đan xen với sự thấu cảm, bao dung dấy lên mạnh mẽ trong lòng người. Đó là cảm xúc khi ta đọc tập truyện ngắn “Thủy Hồ” của nhà văn Tống Ngọc Hân.
Tập truyện ngắn thứ 10 trong sự nghiệp sáng tác Văn Học của nữ nhà văn này như thường lệ vẫn đem đến cho độc giả ánh nhìn cảm quan về muôn mặt đời sống, về những góc khuất nhân tâm và nhất là về bản sắc văn hóa, tình cảm con người, hình ảnh thiên nhiên… của hai vùng đất mà chị từng sinh sống là Phú Thọ và Sa Pa. Không gian trong các truyện ngắn của chị dù được mô tả theo cách nào cũng vô cùng quyến rũ, khoáng đạt. Những nhân vật sống đi lại gần gũi như đâu đó quanh ta.
Hãy đón đọc Thủy Hồ trong thời điểm này, để thêm khát vọng bảo vệ thiên nhiên và con người.
Giá sản phẩm trên Tiki đã bao gồm thuế theo luật hiện hành. Bên cạnh đó, tuỳ vào loại sản phẩm, hình thức và địa chỉ giao hàng mà có thể phát sinh thêm chi phí khác như phí vận chuyển, phụ phí hàng cồng kềnh, thuế nhập khẩu (đối với đơn hàng giao từ nước ngoài có giá trị trên 1 triệu đồng).....
Công ty phát hành | SBOOKS |
---|---|
Ngày xuất bản | 2021-05-24 14:34:47 |
Loại bìa | Bìa mềm |
Số trang | 1390 |
Nhà xuất bản | Nhà Xuất Bản Văn Học |
SKU | 3479620675627 |
xiaomi fahasha fahasa nhà sách nhà sách fahasa fahasa hạnh phúc là con đường luật tâm thức 12 chòm sao nhã nam yêu nhà từ vô hình đến hữu hình 999 bức thư gửi chính mình 999 bức thư gửi chính mình song ngữ trung việt sách vãn tình 999 lá thư gửi cho chính mình hành trình về phương đông người bà tài giỏi vùng saga đời ngắn đừng ngủ dài cân bằng cảm xúc cả lúc bão giông nguyễn nhật ánh đất rừng phương nam tuổi thơ dữ dội truyện tiki trading sach.van hoc có một ngày bố mẹ sẽ già đi có một người từng là tất cả tuệ nghi chữ xưa còn một chút này