DU-GIÀ BỒ-TÁT GIỚI (Tuệ Sỹ)

Tác giả: Tuệ SỹPhát hành: Thư quán Hương Tích. Nxb Đà Nẵng.Bìa: cứng. Dày 380 trangĐây là sách phi lợi nhuận, không kinh doanh. Độc giả thỉnh đọc chỉ trả phí ấn loát để duy trì quỹ in lại cho người sa...
  • Giao hàng toàn quốc
  • Được kiểm tra hàng
  • Thanh toán khi nhận hàng
  • Chất lượng, Uy tín
  • 7 ngày đổi trả dễ dàng
  • Hỗ trợ xuất hóa đơn đỏ

Giới thiệu DU-GIÀ BỒ-TÁT GIỚI (Tuệ Sỹ)

Tác giả: Tuệ Sỹ
Phát hành: Thư quán Hương Tích. Nxb Đà Nẵng.
Bìa: cứng. Dày 380 trang
Đây là sách phi lợi nhuận, không kinh doanh. Độc giả thỉnh đọc chỉ trả phí ấn loát để duy trì quỹ in lại cho người sau.

(Trích từ sách)

DUYÊN KHỞI

Lương Huệ vương trong lúc đang ngồi trên điện, chợt thấy lính dẫn một con bò đi qua. Trông thấy dáng điệu con bò nhớn nhác, sợ hãi, vua hỏi các quan:

- Dắt bò đi đâu?

Các quan tâu:

- Dẫn đi giết, lấy máu bôi chuông.

Vua khiến thả con bò đi, vì không nỡ thấy nó nhớn nhác như người vô tội bị dẫn đến chỗ chết. Các quan hỏi:

- Vậy bỏ lễ bôi chuông sao?
Vua phán:
- Sao lại bỏ? Đem con dê mà thế con bò.

Ông vua có lòng nhân, nhưng chỉ mới một nửa. Thả con bò, giết con dê, vì vua thấy con bò nhớn nhác sợ chết mà không thấy con dê cũng sẽ nhớn nhác sợ chết.

Dù vậy, chỉ bằng chừng ấy mà khi Thầy Mạnh Kha nghe được câu chuyện này, Thầy khen vua có lòng nhân, và khuyến khích vua nếu mở rộng lòng nhân ấy đến cho cả bá tánh, thì nghiệp bá của vua có thể thành vĩ đại.

Vua không nghe. Không những nghiệp lớn không thành, mà cuối cùng thân bại danh liệt. Nho gia phê bình Lương Huệ vương không chịu thực hành nhân chính như Mạnh Tử khuyên. Nhưng các sử gia, các nhà chính trị, chiến lược, không chỉ trích như vậy, mà phê bình chính sách đối ngoại của Huệ vương.

Cả lịch sử về sau, các triều đại vua chúa Trung quốc đều tôn thờ học thuyết chính trị của Khổng Mạnh, nhưng thực tế chẳng ai làm theo. Hầu như những bậc đế vương vĩ đại trong lịch sử loài người không xây dựng sự nghiệp trên lòng nhân, mà trên vũ lực, trên sự tàn bạo.

Dù vậy, trong lời khuyên của Thầy Mạnh có điều cho chúng ta suy nghĩ. Lòng nhân ái, mọi người đều có. Nếu biết cách nới rộng lòng nhân ấy thì có thể chinh phục cả thiên hạ. Nếu đây là chân lý, vậy điều quan trọng là làm thế nào để mở rộng lòng nhân ái ấy? Mọi người cho rằng nhân ái là bản tính tự nhiên, con người sinh ra là như vậy. Mở rộng, chỉ có nghĩa là đem nó ra mà tiếp đãi người và vật. Cũng không hơn gì con nai, hiền lành như vậy, và trọn đời cũng hiền lành như vậy. Khác nhau, con người có trí nên biết vận dụng lòng nhân, nai thì không.

Với người học Phật thì không như vậy. Nhân ái, nếu có sẵn – sinh đắc thiện, chỉ khởi đầu trong ta như đóm lửa nhỏ. Không giữ được, đương nhiên nó sẽ tắt. Thảng hoặc giữ được, nhưng không làm sao để nó cháy bùng lên được. Muốn thế, phải tu tập. Tu, tiếng Phạn nói là bhāvanā, làm cho ta trở thành khác hơn bây giờ, phát triển thành cao thượng hơn, càng lúc càng vĩ đại hơn. Từ và bi không phải là thiên tính trời phú cho sẵn, mặc dù trong tự tính thanh tịnh mọi chúng sinh đều hàm chứa đức từ bi, nhưng nếu không tu tập, không phát triển, nó không bao giờ lớn thêm, rộng thêm. Phật dạy bốn vô lượng tâm, không phải lý thuyết, mà là sự thực hành, có phương pháp, có tăng tiến.

Ông vua Lương có sẵn lòng nhân, nhưng Thầy Mạnh không chỉ dạy tu tập thế nào, làm thế nào để đức nhân ấy càng ngày càng lớn ra. Nếu không, chỉ ngần ấy đức nhân như của trời đâu cho sẵn mà đem ra thi thố, chẳng khác nào đem đốm lửa tro tàn ra đi sưởi ấm thiên hạ. Nó sẽ trở thành thủ đoạn chính trị, sách lược chinh phục nhân tâm bằng cái gọi là nhân nghĩa.

Các hiền triết nhân loại, từ đông sang tây, nói nhiều lắm về đức nhân, nhưng không một vị nào chỉ cách làm thế nào để cho đức nhân phát triển. Cũng không ai nghĩ rằng đức nhân ấy tự thể của nó lớn nhỏ như thế nào. Có lẽ cho đến ngày nay, khi các nhà thần kinh học hiếu sự đưa thầy lạt-ma vào máy MRI, người ta mới có thể khẳng định rằng ý thức về hạnh phúc của người khác, mong muốn người khác hạnh phúc, ý thức ấy có khác nhau giữa người tu luyện và không tu luyện, giữa người tu tập ít và người tu tập nhiều. Cho nên, khi nói rằng tâm từ bi của người này lớn hơn người kia, giá trị của phát biểu này có thể thấy được bằng hình ảnh.

Tu tập cho tâm từ bi càng lúc càng rộng lớn thêm lên, đó là thực hành Bồ-tát đạo.

Chiến tranh kết thúc. Trên các ngả đường dẫn về quê, nhiều nhóm người nhếch nhác, thiểu não, kế tiếp nhau tìm về nhà cũ, làm lại sự sống. Khi trời xẩm tối, họ tìm một nơi nào đó, để có cái gì ăn, và một chỗ trống đủ để nằm.

Thiếu phụ ngồi trước hàng hiên, mơ hồ nhìn ra con đường vắng. Dáng người chinh phụ đang mỏi mòn trông ngóng. Anh đang ở đâu, sống hay chết? Nếu còn sống, thì trong đám tàn quân chiến bại kia, trong đoàn người thất thểu kia, hy vọng sẽ tìm thấy bóng dáng thân thương.

Chợt một bóng người xuất hiện trước cổng. Mắt cô chợt sáng lên, rồi tắt ngúm. Cô quay mặt nhìn sang hướng khác.

Người đàn ông im lặng đứng trước cổng, dợm nán lại,

dợm bỏ đi, vẻ ngần ngại chờ đợi một sự đáp ứng nào đó.

Cô hầu gái bước đến bên thiếu phụ, nói nhỏ:

- Thưa cô, trong lúc này có thể cậu nhà đang ghé vào nhà ai đó, mong có chỗ nghỉ qua đêm. Nếu chẳng may chủ nhà làm ngơ, vì không phải là người thân thích. Không biết rồi đêm này cậu sẽ ngủ ở đâu?

Thiếu phụ như chợt tỉnh ngộ, như hiểu ra một lẽ gì đó, bước vội ra cổng mời khách vào nhà.

Giúp người cũng chính là giúp mình. Chân lý hiển nhiên là như vậy. Nhưng thấy được chân lý đó bằng chính hạnh phúc và đau khổ của mình, thì không phải dễ.

Lòng nhân được định nghĩa rất đơn giản, Tây cũng vậy mà Hoa cũng vậy: Hãy làm cho người khác điều mà ta muốn người khác làm cho mình. Hay nói cách khác, “kỷ sở bất dục vật thi ư nhân.”

Thấy điều ta muốn, tương đối dễ, nhưng làm sao để thấy được điều người khác muốn? Các tôn giáo xưa đều dạy đức nhân, nhưng khi giết con vật để lấy máu tế thần, không cảm thấy con vật sợ hãi, muốn sống. Lòng nhân ấy chỉ lan đến những gì phù hợp với điều ta muốn, ta nghĩ.

Song, điều cũng được thấy rõ, không biết đến người thì cũng không biết đến ta. Người chinh phụ kia không cần biết đến buồn khổ gì nơi người đang đứng trước mặt thì cô cũng không thể hiểu được người thân mình bây giờ đang cảm thấy buồn hay khổ ở nơi đâu. Học để hiểu vui buồn nơi ta từ đâu đến, cũng là học để hiểu vui khổ đến nơi người như thế nào. Đó là bước đầu để học tập ý nghĩa lợi tha.

Học tập lợi tha, bắt đầu từ bố thí. Cho, theo nghĩa tầm thường, nhiều khi rẻ rúng. Dâng hiến, theo nghĩa cao thượng, hướng thượng. Cho, hay dâng hiến, thảy đều mang cái gì ta đang có mà cho hay hiến cho người khác. Cho, mà không buông, không xả, không thành cho. Biết buông xả thì biết được bản chất của vật cho. Không biết giá trị của cái ta đang có – giá trị thời gian – cũng không thể biết thế nào là buông xả.

Thầy Mạnh khuyên vua Lương: Người xưa vì cùng vui với dân nên được vui. Đấy là thuật cai trị, là thủ đoạn chính trị, xảo thuật để chinh phục nhân tâm. Chinh phục để khống chế và ngự trị. Chỉ có vậy. Khi hỏi đến ý nghĩa sống chết, cho đó là viễn vông. Cứ sống trọn tuổi trời, không bịnh hoạn, không bị tai vạ, thế là đủ. Chinh phục thiên hạ, để ngự trị trên thiên hạ, thỏa mãn sự khuếch đại tự ngã của mình. Vẫn là hạng người “sống say chết mộng.”

Bồ-tát đạo bắt đầu từ chỗ biết cho. Cho vì lợi người để lợi mình. Không phải chỉ dừng lại ở đó. Cho để học tập buông xả, không phải buông thả con cá nhỏ để bắt con cá lớn. Buông xả cái ta đang có, để biết cái gì là ngã và cái gì là ngã sở, cái gì là ta và cái gì là của ta. Từ đó, để hiểu, ta là cái gì, ta là ai trong cái thế giới này – thế giới ấy thật hay chỉ là ảo ảnh?

Cho, thì ai cũng có thể làm được. Người ăn mày cùng khổ vẫn có cái để cho, ít nhất là chia cho kẻ khác nửa phần cơm khốn nạn của mình. Vậy thì ai cũng có thể học tập Bồ-tát đạo.

Bồ-tát đạo là gì? Con đường của những người khởi hành bằng nguyện bồ-đề.

Con bò vui vẻ bước theo chân người cho bó cỏ để đi đến lò sát sinh. Một người bị bịt mắt dẫn đi trong đêm tối, nếu không an phận vui vẻ như con bò kia, tất sẽ tự hỏi, ta đang ở đâu, đang được dẫn đi đâu, rồi tập trung ý nghĩ để phán đoán; người này có hy vọng và cơ may trốn thoát. Người có nguyện bồ-đề cũng vậy. Bồ-đề là trí năng tỉnh thức, là khả năng phán đoán thế giới của ta, thân và tâm của ta, cái gì thật, cái gì giả.

Khi mới bắt đầu, bồ-đề nguyện cũng chỉ là ý tưởng mơ hồ. Đứng dưới chân núi, thấy mây thấp trên đầu núi. Khung trời do vậy cũng chỉ thấp ngang đầu núi thôi. Rồi càng leo cao một bậc, mây lại cao thêm một lớp, và trời lại cao thêm một tầng. Lên cho đến đầu đỉnh núi, mới biết trời đất bao la.

Bồ-tát đạo là con đường của những người định hướng bằng bồ-đề nguyện, và bước đi bằng bồ-đề hành.

Người học đi, khi đã có thể đứng, có thể bước, bấy giờ điều cần học là biết cách tránh. Tránh những chướng ngại, tránh những chỗ lồi lõm, những chỗ gai góc, tránh không để trượt, té.

Hành bồ-đề cũng vậy, biết phòng hộ, biết vượt qua chướng ngại. Biết phòng hộ, có năng lực phòng hộ, để vượt qua những chướng ngại, đó là sự học tập bằng Bồ- tát giới.

Vì vậy, Bồ-tát Di-lặc kết tập Biệt giải thoát luật nghi của Bồ-tát để cho người học và hành Bồ-tát đạo biết đâu là tự thể phòng hộ và đâu là những chướng ngại của bồ-đề nguyện và bồ-đề hành.

Tập sách này nguyên là tài liệu học Bồ-tát giới cho chúng Bồ-tát tại gia được giảng tại Quảng Hương già-lam, PL 2553. Văn bản chính làm sở y là “Giới phẩm” trong “Bồ- tát địa”, Du-già sư địa luận.

Tại Trung Hoa hiện hành hai hệ thống Bồ-tát giới riêng biệt: Bồ-tát giới Phạm võng, và hệ Du-già. Trong đó, về truyền thọ chính thức phổ biến là hệ Bồ-tát giới Phạm võng. Theo truyền thuyết, do Lương Võ đế là ông vua thọ Bồ-tát giới Phạm võng, cho nên hệ thống học giới này được thừa nhận là chính truyền. Thế nhưng, tìm trong tất cả điển tịch Phật giáo tại Ấn Độ, từ các văn bản Sanskrit mà ngày nay còn đọc được, và cả trong tất cả kinh và luận Đại thừa được phiên dịch trong Hán tạng, trong những trước tác của các Đại luận sư như Long Thọ, Vô Trước, Thế Thân, không thấy ở đâu nhắc đến Bồ-tát giới Phạm võng. Đây là một điểm nạn vấn nan giải cho những nhà nghiên cứu Luật Đại thừa tại Trung Hoa.

Về Bồ-tát giới Du-già, đây là phần được trích từ “Giới phẩm” trong Bồ-tát địa. Bồ-tát địa là một bộ phận của luận Du-già sư địa, tác phẩm đồ sộ được phiên dịch đầy đủ bởi ngài Huyền Trang. Du-già sư, đúng nghĩa nếu dịch sát từ tiếng Sanskrit, phải nói là Du-già hành – Yogācāra. Gọi là du-già, chỉ cho nhận thức trực tiếp cảnh giới - hiện lượng du-già, không qua bất cứ sát-na suy lý nào. Hán dịch thay hành – ācāra – bằng sư – ācārya – là nhấn ý nghĩa truyền thừa. Cảnh giới chân thật được nhận thức bằng hiện lượng trí; y theo đó mà truyền dạy. Sư tức sư truyền. Nói Du-già sư địa, hay chính xác theo nguyên ngữ Sanskrit: Du-già hành địa, là các cấp bậc trực giác đối tượng, từ bậc phàm phu thấp nhất, hoàn toàn không có trình độ thiền định, cho đến cao nhất là các cấp bậc 

Bồ-tát, và cuối cùng là Phật. “Bồ-tát địa” là phần quan trọng nhất của Du-già sư địa.

Các bộ phận khác bằng tiếng Sanskrit phần lớn thất lạc. Hiện còn lưu hành đầy đủ là phần Bồ-tát địa. Ấn bản devanāgarī được biên tập bởi Nalinaksha Dutt, xuất bản bởi Jayaswal Research Institut, 1966. Giới phẩm là chương thứ mười trong Bồ-tát địa – iti bodhisattva- bhūmāvādhāre yogasthāne daśaṃ śīlapaṭalam. Bản dịch Việt trong đây y theo bản devanāgarī, được phiên âm theo mẫu tự la-tinh, cùng với phân đoạn các tiết mục do người dịch, được in trong phần phụ lục để làm tài liệu tham khảo.

Bồ-tát địa, ngoài bản Hán dịch của Huyền Trang, còn có các bản dịch khác được thực hiện sớm hơn:

Bồ-tát địa trì kinh, 10 quyển, Bắc Lương, Đàm-vô-sấm (Dharmarakṣa, dl. 385-433), dịch ở Cô-tàng. Đại chánh tập 30, số hiệu 1581. Giới phẩm, thuộc phẩm thứ 10.

Bồ-tát thiện giới kinh, 9 quyển, Cầu-na-bạt-ma (Guṇavarma, người Kaśmira, đến Hoa năm dl. 431) dịch. Đại chánh tập 30, số hiệu 1582. Giới phẩm, thứ 11.

Về Bồ-tát giới, trong Śikṣasamuccaya (Hán dịch: Đại thừa Tập Bồ-tát học luận), Śāntideva (Tịch Thiên) trích dẫn rất nhiều đoạn văn nói là từ Bodhisattva-prātimokṣa- sūtraBồ-tát Biệt giải thoát giới kinh, hình thức Luật điển Bồ-tát tương đương với luật tỳ-kheo gọi là Biệt giải thoát giới kinh của tỳ-kheo. Những đoạn dẫn này không cho thấy có liên hệ gì đến luật Bồ-tát Phạm võng, cho thấy hình như Śāntideva hoàn toàn không biết đến có bộ luật của Bồ-tát gọi là Phạm võng.

Bản tiếng Sanskrit của bộ luật Bồ-tát này được biên tập 

chỉnh lý bởi Nalinaksha Dutt, ấn hành bởi Calcutta Oriental Press, 1931. Nội dụng, đại bộ phận tương đồng với Giới phẩm trong Bồ-tát địa, thêm một vài chi tiết từ Upāliparipṛccha-sūtra (Ưu-ba-li vấn kinh).

Giới bản Bồ-tát đầu tiên được dịch Hán có thể nói là bởi Đàm-vô-sấm, nhan đề Bồ-tát giới bản, Đại chánh tập 24, số hiệu 1500. Xét nội dung, đây là phần trích Giới phẩm từ Bồ-tát địa, nhưng soạn thành nghi thức tụng giới của Bồ-tát. Bắt đầu bằng 4 bài tụng 4 câu, “Quy mạng Lô-xá- ”, và tiếp theo là bốn ba-la-di, tức 4 tha thắng xứ trong Hán dịch của Huyền Trang.

Bản dịch Việt y theo bản Sanskrit trong Bodhisattva- bhūmi. Tham khảo chính là bản Hán dịch của Huyền Trang.

Về phần sớ giải, Hán tạng chỉ chú trọng hai bản:

Du-già luận ký, 24 quyển, Tuần Luân; Đại chánh 42, số hiệu 1828; Giới phẩm được sớ giải trong một phần quyển 10.

Du-già sư địa luận lược toản, 16 quyển, Khuy Cơ soạn, Đại chánh 43, số hiệu 1829; Giới phẩm thuộc một phần trong quyển 11.

Hai bản sớ giải này chủ yếu giải thích đại cương toàn bộ Du-già sư địa, cho nên giới phẩm cũng chỉ được đề cập sơ lược, đại phần là tóm tắt nội dung từng đoạn văn trong Luận chính.

Tham khảo chú giải trong bản Việt đại phần y theo Giới phẩm thích của Tsong-kha-pa.

Hệ Bồ-tát giới chính truyền tại Tây Tạng lấy Giới phẩm trong Bồ-tát địa làm sở y. Truyền thừa sớm nhất có thể từ Atisha, mà yếu chỉ được nói tóm tắt trong Bồ-đề đăng luận (Byaṅ-chub lam-gyi sgron-ma). Phần chính văn, phần Bồ-tát địa dịch từ Phạn sang Tạng bởi Prajñāvarma: Rnal-sbyor spyod-paḥi sa-las byaṅ-chub sems-dpaḥi sa. Giới phẩm đươc trích từ trong đó, Tsong-kha-pa viết chú giải Byaṅ-chub sems-dpaḥi tshul-khrims-kyi rnam-bśad. Hán dịch do Pháp sư Pháp Tôn, Bồ-tát giới phẩm thích, gọi tắt là Giới phẩm thích, ấn hành trong “Tông-khách-ba Đại sư toàn tập”, tập 5. Giới phẩm thích thường xuyên nhắc đến các sớ giải của Đức Quang (Guṇaprabha/ Tạng: Yon-tan ḥod, Byaṅ-chub sems-dpaḥi tshul-khrims-kyi leḥu bśad-paBồ-tát giới phẩm chú sớ), và của Tối Thắng Tử (Jinaputra/Tạng: Rgyal-baḥi sras, Byaṅ-chub sems-dpaḥi tshul-khrims-kyi leḥuḥi rgya-cher ḥgrel-pa, Bồ-tát giới phẩm quảng chú). Cả hai vị này đều là Luận sư danh tiếng trong Du-già hành tông. Đức Quang chuyên tinh luật. Tối Thắng Tử được biết tại Trung Hoa là một trong 10 đại luận sư chú giải Thành duy thức.

Người giảng dù cố gắng vận dụng hết mức trí tuệ và biện tài cũng không thể nhất thời phát hiện những điểm tế nhị trong văn bản. Những điểm như vậy chỉ có thể hiểu được khi đối chiếu với thực tế hành trì. Văn luật cần phải chuẩn mực, để mỗi khi xúc sự, có thể y theo đó mà phân tích, lý giải hành vi, rồi mới nhận thức được hậu quả của hành vi ấy. Vì vậy, người học tập Bồ-tát giới cần phải có văn bản để thường xuyên tham khảo.

Kinh nghiệm khi đọc các bản dịch Hán cho thấy để đạt được bản dịch chuẩn của luật không phải dễ. Nhiều nhà chú giải y theo bản Hán, duy chỉ hiểu các từ luật theo nghĩa của Hán, nhiều khi dẫn đến những giải thích sai lầm. Thí dụ, từ luật nghi, từ vô tác giới thể, y theo nghĩa mặt Hán, không cần biết đây là những từ dịch ý hay dịch sát, do đó để lạc ý nghĩa chính, và kết quả là không làm cho người học hiểu rõ tự thể của luật nghi là gì, và hiệu lực thực tế của luật nghi là thế nào. Cho đến như từ giới cũng vậy. Y theo nghĩa mặt Hán mà giải thích là sự răn cấm, thành thử giới hạn ý nghĩa trong những cấm đoán mà hậu quả là dẫn đến chủ nghĩa hình thức, nhiều khi cực đoan đến khó chịu.

Vì vậy, cuối sách có phụ lục hai văn bản Phạn và Hán, để làm tài liệu tham khảo cho chư vị giảng luật, có sẵn mỗi khi thấy có điều chưa quyết hay chưa ổn trong bản dịch Việt.

Cầu nguyện tất cả cùng được lợi ích an lạc trong bồ-đề nguyện và bồ-đề hành.

Tuệ Sỹ cẩn chí

Giá sản phẩm trên Tiki đã bao gồm thuế theo luật hiện hành. Bên cạnh đó, tuỳ vào loại sản phẩm, hình thức và địa chỉ giao hàng mà có thể phát sinh thêm chi phí khác như phí vận chuyển, phụ phí hàng cồng kềnh, thuế nhập khẩu (đối với đơn hàng giao từ nước ngoài có giá trị trên 1 triệu đồng).....

Hình ảnh sản phẩm

DU-GIÀ BỒ-TÁT GIỚI (Tuệ Sỹ)
DU-GIÀ BỒ-TÁT GIỚI (Tuệ Sỹ)
DU-GIÀ BỒ-TÁT GIỚI (Tuệ Sỹ)
DU-GIÀ BỒ-TÁT GIỚI (Tuệ Sỹ)
DU-GIÀ BỒ-TÁT GIỚI (Tuệ Sỹ)
DU-GIÀ BỒ-TÁT GIỚI (Tuệ Sỹ)

Giá METADOGE

Thông tin chi tiết

Hàng chính hãng
Công ty phát hànhThư Quán Hương Tích
Loại bìaBìa cứng
Số trang380
Nhà xuất bảnNhà Xuất Bản Đà Nẵng
SKU8105558015486
Liên kết: Mặt nạ chăm sóc da tay Rich Hand V Special Care Hand Mask The Face Shop