Giới thiệu Sách Alphabooks - Mô Tả Vương Quốc Đàng Ngoài
Mô tả vương quốc Đàng Ngoài của Samuel Baron hoàn tất năm 1685 ở Fort Saint-Georges, Madras (Ấn Độ), là một trong những cuốn sách có giá trị của người phương Tây viết về Việt Nam, bên cạnh những tác phẩm quan trọng của Alexandre de Rhodes, Cristoforo Borri - thế hệ những thương nhân, chính khách và giáo sĩ phương Tây đầu tiên đến Đại Việt vào thế kỷ XVII-XVIII và để lại nhiều ghi chép quan trọng về văn hóa - lịch sử xứ này.
Trong cuốn sách Mô tả vương quốc Đàng Ngoài, rất nhiều chuyện không được ghi chép trong sử chính thống của nhà Nho được Baron mô tả chân thực, không kiêng dè. Một điều đặc biệt là, Samuel Baron không viết về Đàng Ngoài dưới dạng du ký như nhiều nhà du hành hoặc thương buôn phương Tây khác. Đàng Ngoài dưới con mắt của Samuel Baron không phải là một vùng đất ông lướt qua trong một chuyến đi mà những miêu tả tỉ mỉ về xứ sở này với sự phân chia các chương mục rất rõ ràng, đưa ra cả những số liệu cụ thể giống như một công trình khảo sát của một nhà dân tộc chí cho thấy ông rất am hiểu vùng đất này.
Baron viết cuốn sách nhằm giới thiệu vương quốc Đàng Ngoài với các độc giả người Anh, đồng thời để bác bỏ, phê phán những nhận thức sai lầm của Jean Baptiste Tavernier về xứ Đàng Ngoài.
Là con lai, Samuel Baron có mẹ là người bản xứ, cha người Hà Lan - là đại diện cho công ty Đông Ấn Hà Lan tại Kẻ Chợ. Bản thân Samuel Baron sau này cũng là thương nhân nhiều năm sinh sống tại Kẻ Chợ nên những ghi chép của ông có cơ sở để tin cậy. Baron lại có quan hệ thân thiết với phủ Chúa nên có điều kiện tiếp xúc, trải nghiệm, tìm hiểu cuộc sống của giới quý tộc cũng như những tập tục sinh hoạt đời thường của người dân vùng kinh kỳ.
Qua tác phẩm của Baron, độc giả ngày nay có cơ hội tìm hiểu về thể chế, luật pháp, tiền tệ, sức mạnh quân sự, phong tục, trò tiêu khiển, lễ tịch điền, tôn giáo, tang lễ, sản vật… của nước ta vào thế kỷ XVII. Mặc dù, đôi chỗ vẫn có sự nhầm lẫn về các sự kiện, nhưng giá trị sử liệu cuốn sách mang lại là rất lớn.
Ý nghĩa bìa sách : Người Giao Chỉ (Đàng Ngoài).
+TRÍCH ĐOẠN HAY:
“Việc lựa chọn người đỗ đạt được tiến hành một cách công bằng đáng ca ngợi nhất. Trong mọi việc khác có thể bị chi phối bởi tệ hối lộ, thiên vị, tình cảm cá nhân, nhưng việc ban cấp những học vị này thì người ta thực sự tôn trọng giá trị của con người. Và không ai có thể đỗ đạt nếu không thực sự xứng đáng và phải trải qua những kỳ khảo thí đầy ngặt nghèo và nghiêm minh nhất.”
(Trích Chương IX: Những người có học ở Đàng Ngoài)
“Không nghi ngờ gì nữa, những người làm luật Đàng Ngoài khá uyên thâm và có tình người. Nhưng cho dù luật pháp được lập ra có tốt đến đâu thì sự nghèo khó của con người – qua thời gian, qua vô số luật gia và qua sự tăng lên hằng ngày của các quan tòa thuộc cấp – cũng dẫn nền luật pháp đó đến chỗ hủ bại. Có tiền thì tội gì cũng có thể được xóa. Chẳng mấy quan tòa không nhận đút lót.”
(Trích Chương XI: Một số suy nghĩ về kiểu chính quyền độc đáo, lu