Giới thiệu Sách - Hà Nội một thân - Tạ Thu Phong (Bình Book)
Tác giả: Nhiều tác giả, Tạ Thu Phong sưu tầm
Nhà phát hành: Trúc Bạch thư xã
Hình thức: bìa mềm, 240 trang
Thể loại: Lịch sử Việt Nam
Nhà xuất bản: Hồng Đức
Năm xuất bản: 2020
Trúc Bạch Thư Xã - vốn là chỗ các anh chuyên mảng tư liệu sách báo xưa, các anh có nhiều tư liệu cũ mà khó ai biết được. Cuốn sách dưới đây là về một Hà Nội rất lạ - bạn ít biết - Hà Nội thời tạm chiếm 1947-1954. *** Qua rất nhiều trở ngại cuối cùng thì cuốn sách này đã xin được Giấy phép xuất bản. HÀ NỘI MỘT THÂN là tập hợp các bài phóng sự được sưu tầm trên một số tờ báo những năm 1947-1954, phản ánh một giai đoạn lịch sử đặc biệt của Thủ đô, đó là thời kỳ Hà Nội bị tạm chiếm. Cho đến nay, những tư liệu phản ánh xã hội Hà Thành thời tạm chiếm rất ít ỏi. Nguyên nhân là những biến động lịch sử khiến nguồn tư liệu sách báo giai đoạn Hà Nội bị tạm chiếm rất khan hiếm. Ngoài ra, do nhiều lý do, rất ít tờ báo phản ánh hiện thực xã hội lúc bấy giờ. *** Thật may mắn Trúc Bạch Thư Xã đã sưu tầm được khá nhiều đầu báo thời tạm chiếm, cùng với sự giúp đỡ của những nhà sưu tập khác chúng tôi biên soạn ra cuốn sách tư liệu này. Cuốn sách này không phải là công trình nghiên cứu nên chưa phản ánh đầy đủ diện mạo xã hội Hà Nội thời tạm chiếm. Chúng tôi chỉ làm một việc đơn giản là sưu tầm một số bài phóng sự trên báo chí đương thời, tổng hợp thành tư liệu để cung cấp thông tin cho bạn đọc. Tuy nhiên đây là những tư liệu quý, chưa từng được in thành sách nên chúng tôi hi vọng sẽ cung cấp thêm thông tin cho độc giả để phần nào hiểu thêm về những gì diễn ra trong lòng Hà Nội thời tạm chiếm. Qua những bài phóng sự thân thực, HÀ NỘI MỘT THÂN giúp bạn đọc hình dung được thực trạng xã hội Hà Thành trong những năm tạm chiếm như Tết Hà Nội, thú tiêu khiển giới thượng lưu, xóm cô đầu Khâm Thiên, việc ăn nhậu, kịch trường, màn ảnh. Ngoài ra, bạn đọc có thể thấy được những thân phận, những mảnh đời đau khổ trong thời tao loạn. Đó là người phụ nữ vì mưu sinh phải bỏ chồng, bỏ con ngoài hậu phương hồi cư một mình, rồi những người hồi cư thiếu chỗ ở, thiếu cái ăn, thiếu việc làm và những mảnh đời khốn khổ của em bé bán báo, ông đạp xích lô hay cô gái điếm..v..v.. Điều khác biệt trong cuốn sách này là các hình minh họa đều được sử dụng từ tư liệu gốc trên báo chí. Đối với những từ cũ, từ cổ, từ khó được chúng tôi chú thích chi tiết để bạn đọc dễ hiểu. Khi đọc những bài báo này, nhóm Trúc Bạch Thư Xã thấy cần cho bạn đọc tiếp cận nguồn tư liệu quý giá này. Bởi vậy chúng tôi mới cố gắng biên soạn cuốn sách có tên gọi HÀ NỘI MỘT THÂN. Có người hỏi: Tại sao lại đặt tên vậy? HÀ NỘI MỘT THÂN là tên thiên phóng sự dài kỳ đăng trên báo Việt Thanh năm 1948 (Báo Việt Thanh là tờ báo chống Việt Minh). Thiên phóng sự này nói về thân phận những người phụ nữ rời bỏ chồng con hồi cư về Hà Nội một mình. Họ là những "thân cát đằng" không nơi nương tựa. Họ là người Hà Nội mà sống tha phương trên mảnh đất Hà Thành. Họ bơ vơ, cô độc và họ chỉ có "một thân". Khi tìm tựa cho cuốn sách, chúng tôi đã đọc rất kỹ những bài phóng sự và thấy thật xúc động với thiên phóng sự "Hà Nội một thân" và quyết định dùng tựa bài báo này đặt tên cho cuốn sách. Cũng phải nói thêm rằng, không dưới 3 nhà xuất bản từ chối bản thảo bởi lý do "nhạy cảm" (dù sự thực thì chả có gì nhạy cảm cả). Nhưng "trời không phụ người", những nỗ lực cuối cùng cũng xin được giấy phép. Cuốn sách bạn đang cầm trên tay là tổng hợp những tư liệu không dễ kiếm trên báo chí trong thành và cũng là tổng hợp công sức, sự đam mê của những người trong nhóm Trúc Bạch Thư Xã.