Giới thiệu Sách - Kim Ji Young, Born 1982 - Sinh Năm 1982
Sinh năm 1982 là cuốn sách kể về cuộc đời của một người phụ nữ bị chứng rối loạn tâm lí sau sinh, tên là Kim Ji Young. Câu chuyện mở đầu bằng những dòng giới thiệu về cô - ở thời điểm hiện tại. Nếu tinh ý, độc giả sẽ có thể nhận thấy ở nhiều phân đoạn, tác giả thường gọi cả họ tên của nhân vật chính, lặp đi lặp lại chứ ít dùng đại từ thay thế. Đó là vì trong tiểu thuyết này tác giả đóng vai trò là một nam bác sĩ tâm lí trị liệu cho Kim Ji Young, và phần đầu được viết dưới dạng hồ sơ bệnh án của bác sĩ, mô tả chi tiết về bệnh chứng của bệnh nhân. Những trang viết dần hé lộ về cuộc đời tưởng như rất đỗi bình thường của thiếu phụ trẻ, từ khi cô sinh ra đến khi lấy chồng rồi sinh con như bao người phụ nữ Hàn Quốc rất bình thường khác.
Các triệu chứng kì lạ của Kim Ji Young xuất hiện sau khi cô sinh con, có những lúc dường như cô không phải là một Kim Ji Young thực sự, mà đã hóa thân thành những người phụ nữ khác, lúc thành mẹ cô, lúc lại thành người bạn gái cũ của chồng... Dường như cái vỏ thân xác Kim Ji Young cùng lúc có rất nhiều người khác nhau cùng tồn tại, có người còn sống và có người đã khuất, nhưng điểm chung nhất là họ đều là phụ nữ. Kim Ji Young như người phát ngôn hộ những người phụ nữ ấy những lời tự đáy lòng, nhưng bản thân họ thì có lẽ sẽ không bao giờ tự dám nói: “Ông thông gia, tôi xin mạn phép được nói điều này. Chỉ có nhà ông là có gia đình thôi sao? Chúng tôi cũng có gia đình chứ. Ba đứa nhà tôi cũng chỉ có ngày lễ tết mới có thể gặp mặt nhau. Bây giờ cuộc sống của đám trẻ đứa nào chẳng như vậy. Nhưng nếu con gái ông đã về thăm nhà rồi, thì cũng phải cho con gái chúng tôi về thăm nhà chứ”. Nghe những lời ấy, những người sống quanh cô sững sờ, thậm chí là bị sốc, bởi cô đã nói ra một cách khá thẳng thắn, đòi lại công bằng cho phụ nữ trước đặc quyền mà từ trước đến nay gần như cả xã hội vẫn mặc nhiên dành cho nam giới.
Kí ức sâu đậm nhất về tuổi thơ của Kim Ji Young là vị sữa bột ngọt ngào: “...mỗi khi mẹ pha sữa cho em, cô lại ở bên cạnh dùng nước bọt thấm ướt ngón tay rồi chấm những hạt sữa bột rơi trên sàn để ăn. Đôi khi mẹ cô sẽ bảo cô ngửa đầu lên và mở miệng rộng, rồi đổ một thìa sữa bột ngọt ngào đậm đà lên lưỡi cô...” Vị sữa ấy sẽ không thể khiến cô nhớ đến vậy, nếu nó không đi kèm với chuyện hễ cô bị bà nội bắt gặp cảnh cô ăn sữa thì sẽ lập tức bị bà cho ăn đòn, khiến sữa phun ra cả miệng lẫn mũi. “Có thể hiểu rằng biểu hiện đó của bà có nghĩa là tại sao chúng mày ‘dám’ đụng vào đồ của cháu trai quý giá của tao. Em trai và những gì thuộc về em là quý giá nhất, không một ai có thể tùy tiện đụng tới bất cứ thứ gì, Kim Ji Young cũng chỉ là ‘không một ai’ trong con mắt của bà. Và cả chị gái cô cũng vậy...”
Còn mẹ cô, một người phụ nữ lớn lên trong gia đình làm nông, học xong tiểu học thì ở nhà làm lụng để các anh em trai được đi học tiếp, lớn hơn chút nữa, bà vào làm việc cực nhọc trong xưởng dệt, cùng chị gái bán sức lao động lấy đồng lương còm cõi để tiếp tục nuôi các anh em trai đi học đại học, xây dựng sự nghiệp riêng, để rồi cuối cùng nhận ra rằng trong gia đình và sự nghiệp của những người kia, họ không có chỗ đứng, họ trắng tay. Sau tất cả, những người đàn ông được cả xã hội công nhận là đã “một tay nuôi sống gia đình”, đã gánh vác giang sơn, đã làm nên công to việc lớn, và dĩ nhiên là không hề nhắc đến đồng tiền mồ hôi nước mắt của hai người phụ nữ đổi lấy bằng cả thanh xuân. Những người phụ nữ nhận thấy điều ấy, nên họ phải tự tìm đường sống cho mình, tự đi học, tự xây dựng cuộc sống, sau khi lấy chồng lại tiếp tục guồng quay, sinh con đẻ cái, làm lụng nuôi mình, nuôi chồng, nuôi con.
Guồng quay cuộc sống ấy chúng ta có thể bắt gặp ở bất cứ đâu, quá quen thuộc đến nỗi cả xã hội coi đó là điều mặc nhiên phải thế, nam giới mặc nhiên được ưu tiên, còn phụ nữ mặc nhiên xếp hàng thứ yếu. Ngay từ khi còn là những đứa trẻ, họ đã được dạy như vậy, từ những việc nhỏ nhất: Xếp số ăn cơm thì con trai xếp trước, lớp trưởng cũng là con trai; bị quấy rối, sàm sỡ thì nạn nhân là người có lỗi... Một điều khá thú vị là những người phụ nữ được khắc họa trong tiểu thuyết này hiện lên rất đời thường, gần gũi, có thể bắt gặp hình ảnh họ ở bất cứ đâu trong cuộc sống, và họ không đối xử độc ác với nhau. Đây là một điều ít thấy, không có sự hãm hại, dèm pha, chơi xấu giữa những phận đàn bà như thường gặp trong các câu chuyện khác, mà chỉ thấy họ cố gắng để thấu hiểu và nâng đỡ nhau vượt qua đau khổ, tiếp tục duy trì cuộc sống: Cô giáo sau khi nghe học sinh khiếu nại đã đối xử công bằng và tạo điều kiện cho học sinh nữ hơn; người phụ nữ trên xe bus nhận ra mối nguy mà cô bé xa lạ trên xe bus muốn cầu cứu bà; người đồng nghiệp của Ji Young dám chống lại nạn quấy rối tình dục nơi công sở...
Câu chuyện tưởng như bình thường mà hóa ra lại chẳng bình thường, bởi nó khiến chúng ta giật mình nhìn lại cuộc sống của chính mình, có phải chúng ta cũng là một Kim Ji Young? Có phải mẹ chúng ta cũng chẳng khác nào bà Oh Mi Sook? Có phải ta cũng đã từng gặp được người bênh vực chúng ta như người phụ nữ xa lạ trên