Giới thiệu Sách Lịch Sử Và Học Thuyết Của Voltaire
Công ty phát hành: NXB Văn Hóa Văn Nghệ TP.HCM Nhà xuất bản: NXB Văn Hóa - Văn Nghệ Tác giả: Nam Phong Tùng Thư Loại bìa: Bìa Mềm Số trang: 120 Năm xuất bản: 2020
Lịch sử và học thuyết của Voltaire “Lịch sử của ông Voltaire là cái lịch sử rất sung mãn, rất hoạt động, rất phong phú, rất ly kỳ, nổi chìm cũng lắm, trắc trở cũng nhiều, thế mà thủy chung vẫn là cái lịch sử trang nghiêm một vị danh sĩ, suốt đời tận tụy về nghiệp văn, chứ không phải là cái lịch sử bông lông một kẻ giang hồ theo về chủ nghĩa lãng mạn. Có người nói đời ông chính là một quyển văn kiệt tác của ông, một quyển văn kiệt tác của ông, một quyển văn có phong vị, hứng thú vô cùng”. “Luân lý của ông là gốc ở nghĩa mà ngọn ở nhân. Người ta trước nhất phải ăn ở cho công bằng chính trực. Cái lý tưởng công nghĩa là một điều cốt yếu, không có pháp luật nào, điều ước nào, tôn giáo nào bắt buộc, mà hết thảy người ta ai cũng phải công nhận. Sau nữa lại phải có lòng khoan dung, vì trời sinh ra người ta không phải để ghen ghét giết hại lẫn nhau… … Nhân là đầu cả các đức, người ta không có bụng nhân thì không xứng đáng làm người. Nghĩa, thứ và nhân, đó là ba điều cốt yếu, gồm được cả cái đạo luân lý của Voltaire. Luân lý ấy tuy chẳng siêu việt gì, nhưng người đời đã mấy ai theo được cho đúng, cho nên ta cũng chớ nên coi thường”. Lời nói đầu Những thập niên cuối thế kỷ XIX, ở Việt Nam xuất hiện nhiều phong trào truyền bá chữ quốc ngữ, trong đó, phương tiện quan trọng để phổ biến và hoàn thiện chữ quốc ngữ chính là báo chí quốc ngữ. Nam Phong tạp chí do Phạm Quỳnh làm chủ nhiệm ra đời ngày 01/7/1917 là một trong số đó. Phạm Quỳnh sinh tại Hà Nội, quê quán ở làng Lương Ngọc, tổng Ngọc Cục, phủ Bình Giang (nay thuộc xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương). Ngay sau khi đỗ đầu bằng Thành chung ông đã được bổ làm việc tại Trường Viễn Đông bác cổ (1908), sớm tham gia Đông Dương tạp chí (1913), có nhiều bài báo được độc giả đương thời chú ý. Vì nền tảng tư chất học thuật và những đóng góp, trải nghiệm thực tế đó mà Phạm Quỳnh được giao cho phụ trách Nam phong tạp chí. Tạp chí tồn tại trong hơn 17 năm, từ tháng 07/1917 đến tháng 12/1934, chủ trương “thổ nạp Á - Âu, điều hòa tân cựu”, với tôn chỉ rất rõ ràng: Diễn đạt truyền bá tư tưởng, học thuật Đông Tây kim cổ; luyện quốc văn trở nên hoàn thiện, bồi dưỡng Việt ngữ phong phú, uyển chuyển, sáng sủa và gãy gọn… Các tác giả của Nam Phong tạp chí khảo cứu và viết bài về triết học, khoa học, văn chương, lịch sử của Á Đông và châu Âu, dịch những tác phẩm triết học, văn học từ tiếng Pháp hoặc chữ Nho, sưu tầm và đăng tải thơ văn cổ của Việt Nam, đăng những sáng tác đương đại… Tinh thần tranh biện, phản biện, lý luận đề cao cái mới trên Nam Phong tạp chí được đánh giá là phù hợp với yêu cầu hiện đại hóa nền văn học dân tộc nhưng vẫn có giá trị bảo tồn văn hóa, văn học truyền thống. Nhiều bài viết có tính học thuật khá cao, đến nay vẫn được tham khảo. Ban Biên tập Nam phong tạp chí thành lập nhà xuất bản riêng, lấy tên là Nam Phong tùng thư, cùng có chung tôn chỉ, mục đích: “… dùng chữ quốc ngữ làm lợi khí để giới thiệu các học thuật tư tưởng Đông Tây cho phần nhiều quốc dân được biết ngõ hầu giúp cho cái trình độ trí thức trong nước ngày một lên cao”. Nam phong tùng thư in sách nhằm cung cấp tài liệu cần thiết cho việc học chữ quốc ngữ được dễ dàng. Đến hôm nay, những cuốn sách tuổi đời gần trăm năm, trong đó có sách của Nam Phong tùng thư vẫn còn nằm đâu đó trong bộ sưu tập của những người đam mê sách hay được bảo quản tại hệ thống thư viện. Nhiều nhà nghiên cứu, bạn đọc, giảng viên, học sinh, sinh viên đã đến thư viện tìm đọc những cuốn sách này để tìm hiểu chữ quốc ngữ thuở ban đầu ra sao, các bậc trí thức ngày xưa đã bước đầu tham dự vào lĩnh vực học thuật, văn hóa, khoa học thế giới như thế nào… Nhưng số lượng sách có một thế kỷ tuổi đời như vậy được lưu giữ ít ỏi và quá cũ, rất khó để nhiều lượt bạn đọc có thể tiếp cận và sử dụng. Với mong muốn khôi phục lại những cuốn sách xưa, Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ phối hợp với Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh chọn lọc và in lại một số tập sách. Đầu tiên chúng tôi chọn ra mắt bạn đọc ba cuốn sách của Nam Phong tùng thư do Phạm Quỳnh biên dịch, biên soạn, gồm: • Lịch sử thế giới • Lịch sử và học thuyết của Voltaire • Khảo về tiểu thuyết - Tục ngữ ca dao Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc. Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ