Giới thiệu [Mã BMBAU50 giảm 7% đơn 99K] Sách Lý thuyết quân sự Trung Hoa xưa và nay tái bản
Tác giả: Nguyễn Duy Chính Khổ sách: 16x24 cm Số trang: 324 trang Năm xuất bản: 2019
Trong lịch sử, văn hóa Trung Hoa ảnh hưởng lên nước ta là điều không ai có thể phủ nhận. Có thể nói, các mô hình xã hội, chính trị, văn hóa, thi cử, quan trường… kể cả văn tự trong mấy ngàn năm ông cha ta đều ít nhiều vay mượn của họ. Thế nhưng, trong những khu vực mà chúng ta tiếp cận lại có một bộ môn hầu như khá mơ hồ, sự hiểu biết có giới hạn. Đó là phát triển quân sự - đặc biệt là những suy nghĩ triết học của người Trung Hoa về chiến tranh như thế nào? Chúng ta có thể tìm hiểu cách tổ chức quân đội hay bố phòng nhưng rất khó nắm bắt được những động lực vận hành bộ máy ở đằng sau.
Một sự thực khá hiển nhiên, Trung Hoa là quốc gia gây hấn với lân bang nhiều nhất nhưng luôn luôn tìm cách giải thích cho những lần động binh, coi như việc chẳng đặng đừng chỉ cốt để vươn dài chính nghĩa chứ không phải vì lợi lộc. Cho nên, học thuật quân sự của họ cũng có hai phần, một phần hình nhi thượng có tính triết học biện minh cho chiến tranh, một phần hình nhi hạ bao gồm những công tác để hiện thực hóa chiến tranh đó. Chúng ta ít nhiều biết mưu lược, thủ đoạn của họ qua Tam Quốc chí, Thủy hử, Đông Chu liệt quốc, nhưng không biết đến một cách lớp lang, chưa kể nhiều khi có những ấn tượng rất sai lạc trên thực tế.
Không hiếm người cho rằng ra trận chỉ cần một viên tướng khỏe, giỏi võ nghệ phi ngựa ra thách đấu, thắng bại tùy thuộc vào cá nhân chứ không vào tập thể. Cũng có người lại quan tâm đến trận đồ, phù phép và hành quân không khác gì một bàn cờ mà hai bên phải tôn trọng những quy luật đã được định sẵn. Những giới hạn đó không phải không có nguyên nhân. Trước hết nước ta cũng như Trung Hoa có tinh thần trọng văn, khinh võ. Trong xã hội, quan võ luôn luôn bị coi thấp hơn quan văn và nỗi rẻ rúng đó bắt nguồn từ việc võ quan bị đồng hóa với người ít học, vai u thịt bắp.
Trong tài liệu nước ta, sách vở do người mình trước tác về quân sự hầu như rất ít. Chỉ đến gần đây, chúng ta mới biết đến Binh thư yếu lược của Trần Quốc Tuấn và Hổ trướng khu cơ của Đào Duy Từ mà thực chất cũng chỉ là những loại sổ tay (manual) bao gồm một số kiến thức cơ bản dành cho võ quan, dạy cách thức hành quân cấp nhỏ chứ không phải bàn về chiến lược quốc gia.
Ngược lại, Trung Hoa đã hình thành những tác phẩm quân sự từ lâu, nhiều công trình nghiên cứu quy mô đã xuất hiện từ cổ đại nhưng đến nay vẫn còn giá trị. Những tác phẩm đó không những bàn về chiến thuật, chiến lược mà còn hình thành một triết học quân sự gắn liền với văn hóa Trung Hoa, là những đóng góp đáng kể cho văn minh nhân loại.