Cuộc đi trốn khỏi trại sơ tán vui vui vài ngày của năm đứa trẻ mới lớn đột ngột trở thành một chuyến phiêu lưu li kỳ và nguy hiểm giữa núi non, hang động, sông nước nguyên sơ hoang dã. Trong hành trình ấy chúng được thiên nhiên kỳ thú tưởng thưởng hào phóng, nhưng cũng phải vật lộn để sống sót, mà nhiều lúc tưởng chừng đã tuyệt vọng.
Câu chuyện chân thực, lôi cuốn, đồng thời gợi nhiều suy ngẫm về cuộc sống và số phận những đứa trẻ lớn lên giữa cuộc chiến tranh: thường xuyên sống xa bố mẹ, thấy súng đạn như đồ chơi, chứng kiến những cái chết xung quanh mình… Nhưng đọng lại sau tất cả, bên cạnh vẻ đẹp của thiên nhiên, Đi trốn cũng làm sáng lên vẻ đẹp của tinh thần tự lực, của tình bạn, và những rung động tình yêu thuở ban đầu.
LỜI NÓI ĐẦU:
MỘT CÂU CHUYỆN SINH ĐỘNG VÀ CẢM ĐỘNG - Bảo Ninh, nhà văn
Năm năm sau ngày ra mắt Quân khu Nam Đồng, cuốn truyện đầu tay rất hay và thành công của mình, tác giả Bình Ca đã viết xong cuốn thứ hai. Năm năm, là khoảng thời gian vừa phải để hoàn thành một cuốn tiểu thuyết, và sự điềm tĩnh ấy cho thấy là nhà văn đã không vì sự đánh giá cao và cả sự hối thúc nữa của dư luận bạn đọc mà phải vội vã, song cũng không quá chậm rãi khiến làm giảm đi mất nhuệ khí và phong độ của cuốn đầu.
Qua những trang mở đầu cho tiểu thuyết Đi trốn, tôi hiểu do đâu mà tác giả đã tin cậy lựa tôi là một trong những người đọc bản thảo. Là bởi vì cuốn tiểu thuyết này kể về cuộc đời của thế hệ tôi, hoặc nói một cách cụ thể hơn là lứa chúng tôi, những đứa trẻ “con nhà cán bộ kháng chiến”, sinh ra vào đầu thập niên 1950 ở vùng tự do; sau ngày kháng chiến thành công theo gia đình về Thủ đô yên hưởng mười năm hòa bình giữa hai cuộc chiến; tới đầu 1965 cuối thời niên thiếu lại bắt đầu đời gian khổ: rời Hà Nội, xa bố mẹ sơ tán về các miền quê, trải từng cuộc sống kham khổ thiếu thốn cùng đồng bào nông thôn; học hành, thi cử trong không gian đất trời dữ dội thời Chiến tranh Phá hoại; và đến tuổi thanh niên thì tiếp bước cha anh lên đường trường chinh chống Mỹ. “Bởi hầu hết số phận của những đứa trẻ sinh ra, lớn lên trong những năm đất nước có chiến tranh là ở chiến hào.” “Có thể mường tượng thấy hướng đi cuộc đời của các nhân vật trong Đi trốn là như vậy, tuy nhiên tác giả không dõi theo họ cho tới ngày họ lên đường ra trận, mà, như đã nêu trong phần “Vĩ thanh”: “Theo tôi, cuộc đời mỗi người như một dòng sông, luôn chảy về phía trước. Trong cuốn sách này, tôi muốn giới hạn câu chuyện kể về những nhân vật của mình trong một khúc sông tuổi thơ.” ------------------- Tên Nhà Cung Cấp Nhã Nam Tác giả Bình Ca NXB NXB Hội Nhà Văn Năm XB 2020 Số trang 318