Giới thiệu Sách - Tanya chiến ký 3 - The finest hour (Bản thường)
Tanya chiến ký 3 - The finest hour
Công ty phát hành: Thái Hà Tác giả: Carlo Zen Dịch giả: Sinh tố dịch, Dương Gia Thịnh hiệu đính Số trang: 488 Nhà xuất bản: Hà Nội Khổ: 13x19 cm Năm xuất bản: 2022 Quà tặng kèm: Bookmark
[ThaiHaBooks] Hành trình tiến thân tại thế giới khác trong thân thể một bé gái của vị cựu trưởng phòng nhân sự lại tiếp tục. Bộ tổng tham mưu quân đội đế quốc, với đầu não là thiếu tướng tác chiến Ruderdorf và thiếu tướng hậu cầu Zettour, đã cho phát động kế hoạch rút lui quy mô lớn quân đội đế quốc tại chiến tuyến phía bắc. Một bản kế hoạch điên rồ, khiến tất cả những thành viên ban nội các của Đế quốc cảm thấy phẫn nộ, còn kẻ địch từ cộng hoà cho tới vương quốc Liên hiệp, đều cảm nhận được chiến tranh sắp kết thúc với phần thắng thuộc về mình. Bởi lẽ, khu công nghiệp phía Bắc đế quốc là một trong những công xưởng sản xuất khí tài quân sự phục vụ cho chiến tranh lớn nhất của Đế quốc. Mất đi tuyến hậu cần này, quân đội đế quốc sẽ không đủ khả năng tiếp tục chiến tranh nữa và buộc phải đầu hàng vô điều kiện. Lẽ nào những vị tướng tài năng kia đã quá mệt mỏi với những cuộc chiến kéo dài và tình trạng trì trệ tới gần như bất động tại chiến tuyến Rhine, nên đã vạch ra một kế hoạch để bảo toàn lực lượng và gián tiếp tuyên bố đầu hàng cho quân Đế quốc? Hay đấy là con mồi béo bở nhằm che dấu những ý đồ đầy dã tâm chứa đựng trong những bộ não siêu việt kia, nhằm bẫy đối thủ vào một cuộc tổng phản công quy mô lớn? Vượt qua được những khó khăn muôn trùng, thời khắc huy hoàng nhất sẽ tới! Tanya chiến ký 3 – The finest hour Mục lục: Chương I: Vừng ơi, mở ra Chương II: Sự can thiệp quá muộn màng Chương III: Phát động chiến dịch “thuyền lớn” Chương IV: Cách tận dụng chiến thắng Chương V: Giai đoạn đối nội Chương VI: Chiến dịch phương nam Phụ lục: Lời tác giả Thông tin tác giả: Carlo Zen Minh hoạ bìa: Shinobu Shinotsuki Trích đoạn sách: Một chiến dịch phải được phát động dựa trên mục đích và mục tiêu rõ ràng. Về điểm này, bộ Tổng Tham mưu đã đánh giá kế hoạch tác chiến mang tên “Schrecken und Ehrfurcht” (khủng hoảng và kinh hoàng) do hai vị tướng Zettour và Rudersdorf soạn thảo là một hình mẫu tuyệt vời. Mục đích của cuộc tác chiến rất đơn giản và rõ ràng. Đó là, họ sẽ làm tê liệt “hệ thống chỉ huy” bằng cách “tấn công trực tiếp, tạo ra sự kinh hoàng cho Bộ chỉ huy phe địch”, giúp đánh bật bộ máy chỉ huy và cuối cùng “dẫn đến sự sụp đổ của phòng tuyến phe địch”. Một phương pháp vô cùng đơn giản. Chỉ có như vậy. Họ chỉ tung ra một đơn vị để đạt được một mục tiêu duy nhất. Điều này cũng đơn giản giống như hai cộng hai bằng bốn vậy. Mọi thứ đều rất hợp lý. Rõ ràng, một đội quân không có chỉ huy thì làm sao có thể chiến đấu được. Nhưng, nếu chỉ đơn giản như thế thì ngay cả một sinh viên của học viện sĩ quan cũng có thể nắm bắt được mớ lý thuyết đó. Điểm mấu chốt của kế hoạch tác chiến này chính là: một phát đánh sập chức năng của cơ quan chỉ huy – nơi đóng vai trò tối quan trọng của một quân đội hiện đại. Tuy nhiên, cũng vì lẽ đó, rất nhiều những nghi ngờ to lớn đã được đặt ra ngay từ đầu về khả năng thành công của nó. Không cần phải nói, ai ai cũng biết rằng Bộ chỉ huy là nơi vô cùng quan trọng. Bất kỳ quân đội nước nào cũng đều sẽ đặt Bộ chỉ huy của mình ở một nơi cực kỳ an toàn để kẻ thù không chạm tới được. Lẽ dĩ nhiên, Bộ chỉ huy chiến tuyến Rhine của quân đội Cộng hòa chắc chắn sẽ được phòng thủ vô cùng nghiêm ngặt. Điều này cũng đã được chứng minh thông qua thực tế rằng kha khá những đội trinh sát đặc nhiệm đã phải hy sinh.
Nếu không vượt qua được mạng lưới chiến đấu dày đặc của phe địch và lực lượng đánh chặn được triển khai xung quanh, thì khả năng thành công của kế hoạch là rất thấp. Nhưng hầu hết các sĩ quan tham mưu đã xem xét điều này đều nhận ra rằng: ngay cả khi họ tiến hành đột kích bất chấp thiệt hại thì để làm được điều này họ phải chuẩn bị tâm lý hy sinh cả một lữ đoàn ma pháp sư. Vì thế, khi được thông báo về mục đích và phương pháp thực hiện tác chiến, gần như toàn bộ các sĩ quan tham mưu đều nhận định rằng kẻ đưa ra mệnh lệnh này hẳn là đầu óc không bình thường. Thậm chí có người còn phản đối ra mặt kế hoạch tác chiến điên khùng nhằm đẩy binh lính vào chỗ chết này. Lẽ đương nhiên, những vị tham mưu theo đuổi chủ nghĩa hiện thực không lên tiếng phản đối gì về mục đích của cuộc tác chiến. Nếu có thể xông vào phòng tuyến của phe địch và tấn công dữ dội vào Bộ chỉ huy của chúng để từ đó phá hủy bộ máy chỉ huy, thì dù cho có phải trả giá bao nhiêu đi chăng nữa cũng không có gì phải hối tiếc. Dù cho có phải hy sinh bao nhiêu đi chăng nữa, kế hoạch này vẫn rất đáng để thực hiện. Một cuộc phiêu lưu mạo hiểm bất chấp thiệt hại như vậy luôn tạo ra một sức hấp dẫn đối với bộ tham mưu, tuy nhiên khả năng thành công lại quá thấp đến nỗi khiến họ đành phải ngậm ngùi bác bỏ nó. Ở vị trí của họ, việc đánh cược binh lực quý giá của mình vào một trận chiến có tỉ lệ thành công thấp, chắc chắn là một điều vô cùng lãng phí.