Giới thiệu Sách Tết Nhâm Dần 2022 (Bìa Mềm) Kèm Hộp Và Tranh Sơn Mài đa
Sách Tết Nhâm Dần 2022 (Bìa Mềm) Kèm Hộp Và Tranh Sơn Mài (Dự kiến giao từ 11/01/2022) Thông tin ấn phẩm: Sách Tết Nhâm Dần 2022 - Hợp tuyển văn thơ nhạc họa chủ đề mùa xuân và ngày Tết Tác giả: Hồ Anh Thái tuyển Kích thước: 16,5 x 24 cm Số trang: 304 trang Hình thức: Bìa mềm có bìa áo, in màu toàn bộ Công ty phát hành Đông A NXB Văn học Nội dung:
Sách Tết Nhâm Dần 2022 là cuốn sách thứ tư trong dự án Sách Tết của Đông A, khởi đầu với Sách Tết Kỷ Hợi 2019. Nhà văn Hồ Anh Thái tiếp tục là người tuyển chọn các tác phẩm văn thơ nhạc họa chủ đề mùa xuân và ngày tết trong giai phẩm này. Cuốn sách được chia làm 6 phần: Ký ức mùa xuân, Văn, Thơ, Nhạc, Hoạ, Vĩ thanh đưa người đọc trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.
Mở đầu sách, bạn đọc được quay về những ngày xưa cũ, nhìn lại những ngày tết đầy lo toan bận rộn khi đời sống còn nhiều khó khăn vất vả trong Cành đào, câu đối và pháo của Trung Sỹ, Dư âm xóm Cây Gõ của Phạm Công Luận hay Nhớ mỡ của Đỗ Tiến Thuỵ... “Có những niềm vui chỉ xuất hiện khi mình thực sự nghèo khó, thiếu thốn. Giờ ấm áp, no đủ hơn có lẽ cần nghĩ những cách làm mới, đổi thay để tết khỏi nhàm chán hoặc mệt mỏi. Những cái tết của thời gian khó đầy hồi hộp và phấn khích đã qua mất rồi, có ai còn nhớ nữa không?” (Có ai còn nhớ của Uông Triều).
Tiếp nối phần Ký ức mùa xuân, phần Văn sẽ gửi đến bạn đọc sáng tác của nhiều cây bút tên tuổi: Cao Huy Thuần, Ma Văn Kháng, Nguyễn Quốc Trung, Phan Thị Vàng Anh… Những cảm xúc mùa xuân tiếp tục được khơi gợi trong những vần thơ của Hữu Việt, Vân Long, Hoàng Đăng Khoa, Phạm Anh Xuân… Phần Thơ kết thúc với bài bình của tác giả Hoài Nam về bài thơ Chiều xuân của nữ sĩ Anh Thơ.
Giai phẩm xuân tiếp tục nối dài với phần Nhạc là các bài cảm nhận tinh tế của Nguyễn Thị Minh Châu về các nhạc phẩm: Khát vọng mùa xuân (Huy Du - Huy Cừ), Mùa xuân bên cửa sổ (Xuân Hồng - Song Hảo), Tửu ca (Phó Đức Phương).
Ở phần Hoạ, chuyên mục Mỗi năm một hoạ sĩ năm nay giới thiệu hoạ sĩ Tạ Huy Long qua bài viết của Giáng Ngọc: Chàng Giáp Dần vẽ chú Dế Mèn. Chân dung “hoạ sĩ công chức” (như Tạ Huy Long tự nhận) được hiện lên từ những ngày ấu thơ trong căn phòng số 72 Hàng Bồ rồi đến giai đoạn đầu của sự nghiệp với Tranh truyện lịch sử Việt Nam; cho tới những tìm tòi mở lối sau này với minh hoạ các cuốn Lĩnh Nam chích quái, Dế Mèn phiêu lưu ký…
Phần Vĩ thanh cuối sách giới thiệu hai bài viết: Một tờ báo tết năm con hổ của Yên Ba và Một “khoảng trống” của Tự lực văn đoàn của Nguyễn Ngọc Hoài Nam. Hai nhà sưu tầm sách nổi tiếng đã cung cấp nhiều thông tin thú vị về nhóm Tự Lực văn đoàn.
Một điểm hấp dẫn của Sách Tết qua các năm là cuốn sách có sự tham gia minh họa của nhiều thế hệ họa sĩ: từ các hoạ sĩ đã thành danh như Thành Chương, Lê Trí Dũng, Đỗ Hoàng Tường, Đào Hải Phong… đến các hoạ sĩ trẻ như Kim Duẩn, Doãn Hoàng Kiên, Nguyễn Việt Cường… Nhờ các minh hoạ này, sắc xuân càng thêm rạng rỡ, sinh động trên từng trang sách.