Bộ sách Thiền sư Thích Nhất Hạnh Phần 1: Gieo Trồng Hạnh Phúc - Tìm Bình Yên Trong Gia Đình - Muốn An Được An - Tĩnh Lặng - Đạo Phật Ngày Nay - Con Đường Chuyển Hóa - Hướng Đi Của Đạo Bụt Cho Hòa Bình Và Sinh Môi - Tay Thầy Trong Tay Con - Bụt Là Hình Hài

Nhãn hàng: Thích Nhất Hạnh | Xem thêm các sản phẩm Sách Tôn Giáo - Tâm Linh của Thích Nhất Hạnh
Bộ sách Thiền sư Thích Nhất Hạnh Phần 1: Gieo Trồng Hạnh Phúc - Tìm Bình Yên Trong Gia Đình - Muốn An Được An - Tĩnh Lặng - Đạo Phật Ngày Nay - Con Đường Chuyển Hóa - Hướng Đi Của Đạo Bụt Cho Hòa Bình...
  • Giao hàng toàn quốc
  • Được kiểm tra hàng
  • Thanh toán khi nhận hàng
  • Chất lượng, Uy tín
  • 7 ngày đổi trả dễ dàng
  • Hỗ trợ xuất hóa đơn đỏ

Giới thiệu Bộ sách Thiền sư Thích Nhất Hạnh Phần 1: Gieo Trồng Hạnh Phúc - Tìm Bình Yên Trong Gia Đình - Muốn An Được An - Tĩnh Lặng - Đạo Phật Ngày Nay - Con Đường Chuyển Hóa - Hướng Đi Của Đạo Bụt Cho Hòa Bình Và Sinh Môi - Tay Thầy Trong Tay Con - Bụt Là Hình Hài

Bộ sách Thiền sư Thích Nhất Hạnh Phần 1: Gieo Trồng Hạnh Phúc - Tìm Bình Yên Trong Gia Đình - Muốn An Được An - Tĩnh Lặng - Đạo Phật Ngày Nay - Con Đường Chuyển Hóa - Hướng Đi Của Đạo Bụt Cho Hòa Bình Và Sinh Môi - Tay Thầy Trong Tay Con - Bụt Là Hình Hài Bụt Là Tâm Thức - Thiền Sư Khương Tăng Hội
  • Gieo Trồng Hạnh Phúc

Chánh Niệm là nguồn năng lượng tỉnh thức đưa ta trở về với giây phút hiện tại và giúp ta tiếp xúc sâu sắc với sự sống trong mỗi phút giây của đời sống hằng ngày. Chúng ta không cần phải đi đâu xa để thực tập chánh niệm. Chúng ta có thể thực tập chánh niệm ngay trong phòng mình hoặc trên đường đi từ nơi này đến nơi khác. Ta vẫn có thể tiếp tục làm những công việc ta thường làm hằng ngày như đi, đứng, nằm, ngồi, làm việc, ăn, uống, giao tiếp, chuyện trò… nhưng với ý thức là mình đang làm những công việc ấy. Hãy tưởng tượng ta đang ngắm mặt trời mọc với một số người. Trong khi những người khác đang thưởng thức khung cảnh đẹp đẽ ấy thì ta lại “bận rộn” với những thứ trong đầu mình. Ta bận rộn và lo lắng cho những kế hoạch của ta. Ta nghĩ về quá khứ hoặc tương lai mà không thực sự có mặt để trân quý cơ hội đó. Thay vì thưởng thức cảnh đẹp của buổi bình minh, ta lại để cho những khoảnh khắc quý giá ấy trôi qua oan uổng. Nếu quả thực như vậy, ta có thể sử dụng một phương pháp khác. Mỗi khi tâm ta đi lang thang thì ta kéo tâm về và tập trung tâm ý vào hơi thở vào - ra.

Thực tập hơi thở ý thức giúp ta trở về với giây phút hiện tại. Thân tâm hợp nhất, ta sẽ có mặt trọn vẹn để ngắm nhìn, quán chiếu và thưởng thức khung cảnh đẹp đẽ ấy. Bằng cách trở về với hơi thở, ta lấy lại được sự mầu nhiệm của buổi bình minh. Chúng ta thường quá bận rộn đến nỗi quên mình đang làm gì, hoặc có khi ta quên mình là ai. Thậm chí có người quên mất là mình đang thở. Ta quên nhìn những người thương của ta và trân quý sự có mặt của họ, cho đến một ngày họ đi xa hay qua đời ta mới thấy hối tiếc. Có khi rảnh rỗi đi nữa, ta cũng không biết cách tiếp xúc với những gì đang xảy ra trong ta. Vì vậy ta mở ti vi lên xem hoặc nhấc điện thoại gọi cho ai đó. Ta nghĩ làm như thế là ta có thể trốn thoát được chính mình. Ý thức về hơi thở là tinh yếu của chánh niệm.

Theo lời Bụt dạy, chánh niệm là nguồn suối phát sinh hỷ lạc. Hạt giống chánh niệm có trong mỗi chúng ta nhưng thường thì ta quên tưới tẩm hạt giống đó. Nếu biết cách nương vào hơi thở, nương vào bước chân của mình, chúng ta có thể tiếp xúc được với những hạt giống an lành ấy và cho phép chúng biểu hiện. Thay vì nương vào những ý niệm trừu tượng về Bụt, về Chúa hoặc về Allah, chúng ta có thể tiếp xúc được với Bụt, với Chúa trong từng hơi thở và bước chân của mình. Điều này nghe có vẻ dễ dàng và ai cũng có thể làm được, tuy nhiên đòi hỏi ở chúng ta một sự tập luyện. Quan trọng là tập dừng lại. Dừng lại như thế nào? Dừng lại bằng hơi thở vào ra và bước chân của mình. Vì vậy pháp môn căn bản của chúng ta là hơi thở ý thức và bước chân chánh niệm. Nếu nắm vững những pháp môn này, chúng ta có thể ăn, uống, nấu nướng, làm việc, lái xe… trong chánh niệm. Và chúng ta luôn luôn an trú trong giây phút hiện tại, bây giờ ở đây.

  • Tìm Bình Yên Trong Gia Đình

“Tìm bình yên trong gia đình” cuốn sách của Sư ông Làng Mai Thích Nhất Hạnh là tập hợp nhiều câu hỏi vấn đáp của quý Phật tử, mọi người ở khắp nơi gửi về cho Sư ông để giải đáp những vấn đề xoay quanh các mối quan hệ trong gia đình, giữa vợ với chồng, cha mẹ với con cái và cả cách vượt qua nỗi đau khi mất đi người thân…

“Quay về nương tựa

Hải đảo tự thân

Chánh niệm là Bụt

Soi sáng xa gần,

Hơi thở là pháp

Bảo hộ thân tâm

Năm uẩn là tăng

Phối hợp tinh cần

Thở vào, thở ra

Là hoa tươi mát

Là núi vững vàng

Nước tĩnh lặng chiếu

Không gian thênh thang”

Cuộc đời là một chuỗi tương quan tương duyên. Không có một hiện hữu nào tự nó có được. Một bông hoa, không thể tự nó mà hình thành. Hoa phải nhờ những yếu tố khác như đất, nước, hạt giống, phân bón, người làm vườn... mới hình thành. Mình cũng vậy, cũng do nhiều yếu tố kết hợp, như cha mẹ, thức ăn, nước uống, môi trường, xã hội... Hạnh phúc và khổ đau cũng như thế, cũng do nhiều yếu tố tạo thành. Những yếu tố tương quan tương duyên đó dân gian gọi nôm na là duyên nợ, những gì đem lại hạnh phúc cho mình thì gọi là duyên, những gì đem lại khổ đau thì gọi là nợ. Đạo Bụt gọi đó là tương quan tương duyên hay tương tức. Cũng cùng một người nhưng khi thương thì gọi là mình có duyên với người đó. Rồi cũng người ấy, cũng tình thương ấy nhưng vì mình không biết trân quý và tưới tẩm để cho tình thương lớn lên để rồi khổ đau, thì lại gọi là mình có nợ với người ấy. Như thế thì vô lý và mâu thuẫn quá phải không?

Mình đâu chọn nhầm người, mình đâu cưới người mình ghét, mình cưới người mình thương mà. Chỉ do mình không biết nuôi dưỡng thôi. Nếu nhìn sâu vào những khổ đau và hạnh phúc của mình, mình sẽ thấy được nguyên nhân và gốc rễ sâu xa của nó. Khi thấy được nguyên nhân và gốc rễ rồi, mình sẽ làm mới trở lại để nuôi lấy hạnh phúc của mình, không còn đổ lỗi cho duyên nợ nữa. Nếu nhìn sâu thêm một tí mình có thể thấy được rằng khuynh hướng đổ lỗi cũng là một tập khí của mình. Trong mối quan hệ giữa mình với người kia, có lúc mình giận hờn, khổ đau, mình cứ nghĩ là người kia có lỗi với mình, người kia đã gây nên những nỗi khổ đau cho mình nên mình không chấp nhận được người kia và làm cho sự truyền thông trở nên bế tắc. Khổ đau từ đó mà leo thang. Mình không nhìn lại để thấy rằng có thể mình đã đóng góp một phần nào đó trong nỗi khổ và cơn giận của người kia, nên người kia đã hành xử và nói năng như vậy. Có thể mình không đủ cảm thông, có thể mình không đủ niềm vui và hạnh phúc để hiến tặng cho người kia, có thể mình không tưới tẩm những hạt giống tốt trong người kia, mà chỉ có than phiền và trách móc. Hoặc trong mình còn có những nóng nảy, dễ bực bội cáu gắt, không dễ dàng tha thứ bỏ qua những lỗi lầm của người khác. Mình đã không nói những lời nói nhẹ nhàng ái ngữ, không hành xử khéo léo v.v... Khổ đau hay hạnh phúc đều mang tính hữu cơ, nghĩa là có thể chuyển đổi được. Hạnh phúc nếu không khéo gìn giữ thì một ngày nào đó sẽ mất, sẽ trở thành khó khăn và khổ đau. Nếu khổ đau mà biết tu tập chuyển hóa thì sẽ thương yêu nhau hơn, từ đó sẽ hạnh phúc hơn. Cho nên khổ đau hay hạnh phúc là do mình, do mình quyết định. Mình có đổ lỗi cho người kia, cho hoàn cảnh, môi trường, con cái... thì đó cũng là tập khí của mình. Sự thực tập là luôn luôn trở về để nhìn lại chính mình. Có thể mình không trân quý đủ người thương của mình, mình không trân quý đủ những gì mình đang có. Những gì mình không có hoặc chưa có thì mình ruổi rong tìm kiếm, khi có rồi thì mình lại không biết trân quý, đợi đến khi tuột khỏi tầm tay mới thấy tiếc nuối và ân hận.

Nếu mình không thay đổi những tập khí của mình thì cho dù có cưới bao nhiêu người đi nữa mình cũng khổ đau. Vì vậy, cùng với sự thực tập, mình luôn luôn trở về với giây phút hiện tại, nhận diện và trân quý những gì mình đang có để nuôi lớn hạnh phúc, và đồng thời chuyển hóa những tập khí trong mình.

  • Muốn An Được An

Ngày chủ nhật và cũng là ngày cuối cùng của tháng 11 năm 2014 tôi nhận được bản thảo cuốn sách Muốn an được an của thiền sư Thích Nhất Hạnh đã được sư cô Hội Nghiêm dịch ra tiếng Việt từ bản nguyên gốc tiếng anh Being peace. Tôi ngồi vào bàn rồi đọc ngay tức khắc.

Tôi đọc ngay những dòng đầu tiên và phải đọc đi đọc lại vài lần những dòng những chữ của thiền sư Thích Nhất Hạnh "Nếu tự thân ta không có hạnh phúc, bình an thì chúng ta không thể hiến tặng hạnh phúc và bình an cho ai được, kể cả những người ta thương, những người ta cùng chung sống trong một mái ấm gia đình. Có bình an, hạnh phúc thì chúng ta sẽ mỉm cười và xinh tươi như một bông hoa, khi đó, mọi người chung quanh ta, từ gia đình cho đến xã hội, ai cũng được thừa hưởng."

Mỗi ngày chúng ta có rất nhiều cảm thọ. Khi thì hạnh phúc, lúc thì buồn khổ. Các cảm thọ cứ lần lượt đến với ta như một dòng sông. Rõ ràng việc thực tập thiền là rất quan trọng. Hành thiền để ý thức được, ghi nhận từng cảm thọ, thậm chí ôm ấp từng cảm thọ. Tôi luôn nhắc mình thực tập như vậy. Tôi biết điều này bởi thiền sư Thích Nhất Hạnh đã hướng dẫn chúng tôi cách đây tròn 10 năm, từ 2005 khi tôi may mắn được biết đến Thầy. Nhờ Thầy mà tôi dần biết cách tìm bình an trong chính mình.

Tôi đã nhận ra rằng thiền rất giản đơn, có thể thiền tập ở bất cứ đâu và bất cứ giờ nào trong ngày. Thiền không có nghĩa là vào rừng ẩn tu hay trốn tránh xã hội. Nếu như chúng ta cùng nhắc nhau thiền mỗi ngày thì đời sống đẹp biết nhường nào và xã hội sẽ tươi mát vô cùng.

Muốn an thì có an. Vấn đề là ta phải muốn. Có hai thời điểm rất quan trọng mà tôi luôn nhắc tâm của mình bình an. Đó là đầu giờ sáng và trước khi ngủ. Tôi hay nhắc tâm an lạc, nhắc miệng mỉm cười thư giãn. Muốn an thì được an mà. Muốn hạnh phúc thì có ngay hạnh phúc mà. Hạnh phúc từ trong ta mới lâu mới bền, chứ hạnh phúc mang từ bên ngoài vào đến và đi nhanh lắm.

Đôi khi, bạn cũng như tôi, chúng ta quá bận rộn. Bận đến mức không dành thời gian cho người thân và bạn bè. Bận đến mức không có thời gian để ngắm cây, ngắm trời, ngắm hoa ngắm đất. Thậm chí quên mất chuyện thở và ta thở tự động như một cái máy, thở không có ý thức. Thật là tiếc. Bạn và tôi vẫn đang bị tập khí lôi cuốn. Bây giờ, đọc Muốn an được an rồi chúng ta  luôn tự nhắc mình và nhắc nhau hai chữ bình an để tạo bình an cho chính mình.

  • Tĩnh Lặng

Còn sống và bước đi trên mặt đất này là một phép lạ, nhưng hầu hết chúng ta lại chạy đi tìm hạnh phúc ở một nơi xa xôi nào đó như thể là có một nơi tốt đẹp hơn để đến vậy. Chúng ta mất rất nhiều thời gian để đi tìm hạnh phúc trong khi đó thế giới quanh ta tràn đầy những mầu nhiệm. Những vẻ đẹp của đất trời đang gọi ta từng ngày, từng giờ nhưng hiếm khi ta nghe được. Điều kiện căn bản để chúng ta có thể nghe và đáp lại những tiếng gọi ấy là sự Tĩnh Lặng. Nếu không có sự tĩnh lặng trong tự thân, nếu thân tâm ta đầy sự ồn ào, náo loạn thì ta không thể nghe được tiếng gọi của vẻ đẹp ấy. Có một đài radio đang hoạt động trong đầu ta, đó là đài NST (Non Stop Thinking) - đài suy nghĩ liên tục không ngừng. Tâm ta đầy tiếng ồn) vì vậy ta không thể nghe được tiếng gọi của sự sống, tiếng gọi của tình thương. Trái tim ta đang gọi ta mà ta không nghe thấy. Ta không có thời gian để lắng nghe trái tim mình.

Chánh niệm là sự thực tập làm cho những tiếng ồn trong mình yên lắng lại. Không có chánh niệm, chúng ta có thể bị nhiều thứ lôi kéo, chẳng hạn như những tiếc nuối,  buồn phiền trong quá khứ. Ta hồi tưởng lại những ký ức, hồi tưởng lại những gì đã  trải qua, để khổ đi khổ lại, để đau đi đau lại những niềm đau mà ta đã đi qua. Chúng ta rất dễ bị kẹt vào ngục tù của quá khứ. Chúng ta cũng có thể bị tương lai lôi kéo. Những người lo lắng, sợ hãi về tương lai cũng bị giam hãm trong tù ngục như những  người bị quá khứ trói buộc. Sợ hãi, lo lắng, hoang mang ngăn cản ta, không cho ta nghe được tiếng gọi của hạnh phúc. Vì vậy, tương lai cũng trở thành ngục tù.

Dù ta cố gắng có mặt trong giây phút hiện tại thì tâm ta cũng tán loạn và thấy trống vắng như có một khoảng trống lớn trong ta vậy. Có thể ta chờ đợi, trông mong điều gì đó xảy ra cho cuộc sống của ta hào hứng hơn, sôi nổi hơn. Ta trông chờ điều gì đó có thể thay đổi hoàn cảnh của ta, vì cuộc sống hiện tại của ta quá chán nản, chẳng có gì đặc biệt và thú vị.

Chánh niệm thường được mô tả như một tiếng chuông nhắc nhở chúng ta dừng lại và im lặng lắng nghe. Chúng ta có thể sử dụng tiếng chuông hay bất kỳ một tín hiệu nào giúp ta nhớ để không bị kéo đi bởi những tiếng ồn chung quanh và tiếng ồn trong mình. Khi nghe chuông, ta dừng lại, theo dõi hơi thở vào ra và tạo không gian cho sự yên lặng. Ta có thể tự nói với mình: “Thở vào tôi biết là tôi đang thở vào.”

Thở vào, thở ra trong chánh niệm, chỉ chú ý vào hơi thở, ta có thể làm yên lắng tất cả những tiếng ồn trong mình, những tiếng độc thoại về quá khứ, tương lai hay những mong cầu về điều gì đó.

Chỉ cần thở chánh niệm trong vòng hai, ba giây thôi là ta đã thức tỉnh, rằng ta còn sống và ta đang thở vào. Ta có mặt đây, ta đang tồn tại. Tiếng ồn bên trong sẽ biến mất ngay lập tức, nhường chỗ cho một không gian bao la và sâu rộng. Rất hùng hồn và mạnh mẽ. Ta có thể đáp lại tiếng gọi của những vẻ đẹp chung quanh ta:

“Tôi đang có mặt đây, tôi đang có tự do và đang nghe em đây.”

“Tôi đang có mặt đây” nghĩa là gì? Nghĩa là “Tôi đang sống. Tôi đang thật sự có mặt, bởi vì tôi không bị đánh mất mình trong quá khứ, trong tương lai, trong suy nghĩ, trong những tiếng ồn bên trong cũng như tiếng ồn bên ngoài.

Tôi đang có mặt.” Để thực sự có mặt, ta phải có tự do, vượt thoát những suy nghĩ, vượt thoát những lo lắng, vượt thoát những sợ hãi và mong cầu. “Tôi đang có tự do” là một lời tuyên bố rất hùng hồn, bởi vì sự thật là nhiều người trong chúng ta không có tự do. Ta không có tự do để nghe, để thấy và để có mặt.

  • Đạo Phật Ngày Nay

Dẹp bỏ tất cả những huyền đàm siêu hình, con người trở về thực tại để giải quyết những vấn đề của thực tại. Cuộc đời đầy những khổ đau. Mũi tên độc khổ đau đang làm cho chúng ta rên xiết, hãy tìm cách nhổ mũi tên đó ra khỏi thân thể của nhân loại. Chúng ta phải ý thức rằng chúng ta đang khổ đau. Ðó là nhận thức căn bản. Làm sao giải quyết vấn đề khổ đau thực tại nếu chúng ta không có ý thức về khổ đau thực tại? Làm sao có thể chữa lành được bệnh khi ta không biết là ta đang có bệnh, hoặc giả biết là bệnh nhưng không rõ là bệnh gì?

Hình bóng của những con người yếu đuối, mắt không dám nhìn thẳng, chân bước ngập ngừng, sợ sệt khổ đau, khúm núm trước quyền lực, cố nhiên không phải là hình bóng của người Tăng sĩ. Hình bóng của người tăng sĩ phải là hình bóng của một Long Thọ, một Huyền Trang, một Vạn Hạnh... đời sống thì đạm bạc, gian khổ, ý chí thì vững chắc như kim cương, đức độ thì khiêm cung, nhẫn nhục, hành nguyện thì rộng lớn như sóng biển. Người xuất gia phải có đôi mắt sáng chiếu niềm tin, chói lòa nghị lực, người xuất gia phải có nụ cười bất diệt khinh thường khổ đau. Có như thế mới biểu lộ chân tướng sáng rỡ của đạo Phật. Mà muốn được như thế, điều thiết yếu trước tiên là nhận thức thực trạng khổ đau, sống trong khổ đau, luyện mình thành sắt thép. Ta có thể chết đuối trong khổ đau, nhưng ta thành Phật cũng nhờ khổ đau. Chính khổ đau, chữa lành khổ đau, và khi đặt vấn đề nhận thức khổ đau làm đệ nhất đế của Tứ Diệu Ðế, Đức Phật quả đã nhận thấy tầm quan trọng của sự thực ấy một cách thâm thiết.

  • Con Đường Chuyển Hóa

Kinh Bốn Lĩnh Vực Quán Niệm và kinh Quán Niệm Hơi Thở là hai kinh gối đầu giường của các vị khuất sĩ thời Bụt còn tại thế và là nền tảng của nếp sống thiền tập đạo Bụt.

Sách Con Đường Chuyển Hóa của thiền sư Thích Nhất Hạnh là những hướng dẫn cụ thể để chúng ta tiếp xúc được suối nguồn thiền tập của đạo Bụt. Hơn thế nữa, tác giả còn hiến tặng những phương pháp thực hành thực tế giúp hành giả trải nghiệm được nếp sống tỉnh thức trong đời sống hàng ngày.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã từng nói rằng ngày phát hiện ra hai bản kinh này, Ngài thấy mình là người hạnh phúc nhất trên đời.

  • Hướng Đi Của Đạo Bụt Cho Hòa Bình Và Sinh Môi

“Mỗi người chúng ta đều có thể đóng góp một cái gì đó cho công việc bảo vệ và chăm sóc hành tinh xinh đẹp của chúng ta. Phải sống như thế nào để con cháu chúng ta có một tương lai tươi sáng, đó là gia tài đích thực ta để lại cho con cháu chúng ta”. Lời dạy của thầy Thích Nhất Hạnh.

Khi chúng ta gieo một hạt bắp xuống lòng đất ẩm, khoảng một tuần sau, hạt bắp sẽ nảy mầm và dần dần trở thành một cây bắp con. Ta có thể hỏi cây bắp con: “Bắp ơi, em có nhớ lúc em còn là một hạt bắp không?” Có thể cây bắp con không nhớ, nhưng nhờ quan sát, ta biết cây bắp con đã đến từ hạt bắp. Khi nhìn vào cây bắp, ta không còn thấy hạt bắp, và ta tưởng là hạt bắp đã chết, nhưng kỳ thực hạt bắp đâu có chết, mà hạt bắp đã trở thành cây bắp. Khi chúng ta thấy được hạt bắp trong cây bắp là chúng ta có thứ tuệ giác mà Bụt gọi là vô phân biệt trí. Vô phân biệt trí là không có sự phân biệt giữa hạt bắp và cây bắp, vì hạt bắp và cây bắp có trong nhau, chúng chỉ là một thứ. Ta không thể tách hạt bắp ra khỏi cây bắp và ngược lại. Nhìn sâu vào cây bắp con, ta có thể thấy được hạt bắp, hạt bắp chỉ thay hình đổi dạng. Cây bắp là sự tiếp nối của hạt bắp. Nhờ có thiền tập, ta thấy được những điều mà người khác không thấy. Nhờ có quán chiếu, ta thấy được mối quan hệ mật thiết giữa cha mẹ và con cái, giữa cây bắp và hạt bắp. Cho nên chúng ta cần sự thực tập để giúp ta thấy rằng chúng ta tương tức với nhau. Khổ đau của một người là khổ đau của tất cả mọi người. Nếu người Hồi giáo và Cơ Đốc giáo, hay người Ấn Độ giáo và Hồi giáo, người Do Thái và người palestin nhận ra rằng họ đều là anh em với nhau, khổ đau của bên này cũng là khổ đau của bên kia thì chiến tranh sẽ chấm dứt mau chóng. Nếu chúng ta thấy được rằng chúng ta và các loài sinh vật khác đều có chung một bản thể thì đâu có sự chia cách hay phân biệt, chúng ta sẽ sống chung hòa bình với mọi loài, với thiên nhiên. Thấu suốt được tính tương tức, ta sẽ không còn phàn nàn, đổ lỗi cho nhau, sẽ không còn bóc lột, chém giết nhau. Chỉ với ý thức sáng tỏ đó mới mong cứu vãn được trái đất xinh đẹp của chúng ta. Là người, chúng ta vẫn nghĩ rằng ta và thế giới thực vật và động vật khác biệt nhau, chẳng có gì liên quan với nhau.

Cho nên đôi khi ta bâng khuâng không biết nên đối xử với thiên nhiên như thế nào. Nếu chúng ta hiểu rằng con người và thiên nhiên không thể tách rời nhau thì ta sẽ biết cách đối xử với thiên nhiên như đối xử với chính bản thân mình, với tất cả sự cẩn trọng nhẹ nhàng, với tất cả tình thương yêu, không có sự bạo động. Cho nên nếu chúng ta không muốn mình bị thương tổn thì không nên làm thương tổn thiên nhiên, vì làm thương tổn thiên nhiên là làm thương tổn chính mình và ngược lại. Chúng ta không biết rằng khi chúng ta gây thiệt hại cho người khác là chúng ta gây thiệt hại cho chính mình. Vì muốn tích lũy của cải mà ta đã không ngần ngại khai thác quá mức nguồn tài nguyên thiên nhiên, và ta tước đoạt quyền sinh sống của bao nhiêu người đồng loại. Những áp bức và bất công xã hội đã tạo ra hố ngăn cách giữa người giàu và người nghèo, và ta tiếp tục dung túng những tệ nạn xã hội, thản nhiên để chiến tranh leo thang mà không biết rằng khổ đau của con người là khổ đau chung của cả đại gia đình nhân loại. Trong khi bao nhiêu người phải chịu khổ đau vì chiến tranh, vì đói khát, ta vẫn đắm chìm trong những ảo vọng của tiền tài, tưởng rằng có thể tìm đựợc một nơi an toàn cho riêng mình. Chúng ta cần phải thấy rõ rằng số phận của mỗi người đóng góp vào số phận chung của toàn thể nhân loại. Nếu chúng ta muốn sống bình an hạnh phúc, chúng ta cũng phải giúp cho những loài khác sống bình an hạnh phúc. Một nền văn minh mà trong đó ta phải chém giết và bóc lột lẫn nhau để sống là một nền văn minh không lành mạnh. Muốn có một nền văn minh lành mạnh, tất cả mọi người dân phải có quyền bình đẳng về giáo dục, về công ăn việc làm, có đủ thức ăn, chỗ ở, không khí và nước uống trong sạch. Họ có tự do đi lại và có thể ở bất cứ nơi đâu.

Con người là một phần của thiên nhiên, chúng ta cần ý thức rõ điều này trước khi biết cách tạo dựng một đời sống hòa hợp giữa con người với nhau. Nếu ta vẫn còn tâm độc ác, muốn chia cắt, thì ta phá hủy tính hài hòa nơi con người và nơi thiên nhiên. Chúng ta cần những đạo luật có nội dung từ bi giúp ta biết hành xử nhẹ nhàng với chính bản thân mình và với thiên nhiên, nhờ đó, ta có thể chữa trị được những thương tích và chấm dứt được tình trạng độc ác đối với con người và thiên nhiên.

Chúng ta cần phải học cách sống hài hòa với thiên nhiên, vì chúng ta là một phần của thiên nhiên. Thiên nhiên có thể rất tàn bạo, có thể gây cho ta rất nhiều thiệt hại. Nhưng ta cần phải đối xử với thiên nhiên như đối xử với chính bản thân mình. Nếu chúng ta tìm cách khống chế thiên nhiên thì thiên nhiên sẽ nổi loạn. Chúng ta phải là những người bạn đầy chân tình đối với thiên nhiên thì chúng ta mới biết cách sử dụng những điều kiện thuận lợi của thiên nhiên để tạo dựng một môi trường sống hài hòa. Điều này đòi hỏi một sự hiểu biết đúng đắn về thiên nhiên. Cuồng phong, bão tố, hạn hán, lũ lụt, núi lửa, sự sinh sôi nẩy nở của những loài sâu bọ độc, tất cả những hiện tượng này gây nguy hại cho sự sống. Chúng ta có thể dễ dàng ngăn ngừa những tai họa này nếu chúng ta biết nghiên cứu ngay từ lúc đầu địa chất của vùng đất ta đang sống. Nhờ nắm rõ tình hình địa chất, ta có thể có những phương án xây dựng để phòng ngừa, thay vì tìm cách áp đảo thiên nhiên bằng những đập ngăn nước, hay phá rừng và những chính sách thiết bị khác mà cuối cùng chỉ gây thêm tổn hại cho môi trường.

Vì muốn ức chế thiên nhiên mà ta đã sử dụng quá nhiều thuốc trừ sâu, giết hại không biết bao nhiêu loại côn trùng và chim chóc, làm xáo trộn đời sống tự nhiên của muôn loài. Nền kinh tế phát triển gây ô nhiễm môi trường, làm kiệt quệ nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên, phá hủy chỗ cư trú của bao nhiêu loài sinh vật. phát triển kinh tế như thế chỉ đem lợi lộc cho một số ít người, và trong thực tế đã dần dần phá hủy toàn bộ đời sống thiên nhiên. Vì vậy mà con người trở nên bệnh hoạn, xã hội trở nên bệnh hoạn, thiên nhiên trở nên bệnh hoạn. Ta phải làm gì đây để tái lập sự quân bình? phải bắt đầu từ đâu để tìm cách chữa trị? Bắt đầu từ mỗi cá nhân, hay từ xã hội? Hay từ thiên nhiên? Ta phải làm việc chữa trị trong cả ba lĩnh vực cùng một lúc. Các ngành khác thường chỉ chú tâm đến lĩnh vực riêng của họ. Các nhà chính trị thì nghĩ rằng một xã hội trật tự là cần thiết để bảo vệ con người và thiên nhiên, vì thế, họ khuyến khích mọi người tham gia vào cuộc đấu tranh thay đổi guồng máy chính trị.

Các tu sĩ phật giáo thì giống như những bác sĩ tâm lý trị liệu thấy được vấn đề từ quan điểm tâm lý. Mục đích của thiền tập là để giúp ta tìm lại sự cân bằng trong đời sống. Thực tập thiền trong đạo Bụt là để điều hòa thân và tâm, thực tập hơi thở giúp làm lắng dịu thân tâm. Cũng như những phương pháp chữa bệnh khác, bệnh nhân được đặt trong một môi trường có những điều kiện thuận lợi cho việc khôi phục lại sức khỏe. Thông thường, các bác sĩ tâm lý trị liệu để nhiều thì giờ quan sát bệnh nhân, sau đó có những lời khuyên thích ứng với mỗi bệnh nhân. Cũng có một số bác sĩ biết thực tập như các tu sĩ là biết quán sát bản thân trước, biết nhận diện để vượt thoát được những sợ hãi, giận hờn và tuyệt vọng trong lòng họ. Ða số các bác sĩ khác thì thường nghĩ rằng họ không có vấn đề gì về tâm lý cả. Người tu sĩ, trái lại, luôn nhận diện được rằng là người, họ rất dễ bị sợ hãi, lo âu trấn ngự, nhất là dễ bị ảnh hưởng bởi những căn bệnh trầm kha của thời đại mới.

Người phật tử tin vào mối tương quan mật thiết của mọi cá nhân trong xã hội và môi trường sống, cho nên khi họ lành bệnh là xã hội và môi trường sống cũng lành bệnh, vì vậy mà họ chấm dứt được những lo âu sợ hãi trong lòng. Người phật tử biết rằng chính họ phải bắt đầu sự chuyển hóa trong nội thân thì xã hội và thiên nhiên sẽ tự động chuyển hóa theo. Cho nên, muốn cho xã hội và môi trường sống trở lại lành mạnh, mỗi người chúng ta phải biết cách khôi phục trở lại sức khỏe tinh thần của mình. Khôi phục lại tinh thần lành mạnh không có nghĩa là phải thích ứng với những điều kiện mới của đời sống hiện đại. Bởi vì đời sống hiện đại không lành mạnh chút nào, thích nghi với đời sống đó chỉ làm mình thêm bệnh hoạn. Những người tìm đến các bác sĩ tâm lý trị liệu đều là nạn nhân của lối sống hiện đại. Lối sống này chỉ làm con người xa cách nhau, gia đình nhân loại bị phân tán. Cách hay nhất là chuyển về sinh sống ở miền quê, nơi đó, ta được cuốc đất, trồng rau, sản xuất hoa màu, giặt quần áo trên sông, sống nếp sống đơn giản như hàng triệu người nông dân trên thế giới. Muốn việc chữa trị có hiệu quả, ta cần phải thay đổi môi trường sinh sống. Thay đổi guồng máy hoạt động chính trị chưa phải là phương án duy nhất. Tìm cách tự trấn an mình khỏi những bức xúc bằng lối tiêu thụ bừa bãi cũng không giải quyết được vấn đề. Bởi vì nguồn gốc của mọi tâm bệnh hiện nay đều phát xuất từ sự phát triển quá mức của nền kinh tế, đưa đến nhiều tệ nạn xã hội như là ô nhiễm sinh môi, quá nhiều tiếng ồn, nơi nào bạo động cũng có mặt, và hầu như ai cũng bị áp lực thời gian đè nặng. Muốn chấm dứt tình trạng này thì phải biết phòng bệnh. Khi ta hiểu được trách nhiệm của mình đối với nhân loại thì ta biết giữ gìn cho tinh thần luôn được lành mạnh. Làm được như vậy cho ta là đồng thời giúp cho người khác không bị bệnh hoạn. Dù ta là ai đi nữa, thầy tu hay thầy cô giáo, bác sĩ trị liệu, nghệ sĩ, thợ mộc, hay là chính trị gia, chúng ta cũng đều là con người như nhau. Nếu chính ta không áp dụng được những gì ta dạy cho người khác trong đời sống hàng ngày thì ta cũng mắc bệnh tâm thần như họ thôi. Nếu ta cứ tiếp tục sống theo lề lối hiện tại thì có ngày ta cũng trở thành nạn nhân của lối sống vị kỷ, đầy sợ hãi và lo âu.

  • Tay Thầy Trong Tay Con

Trong kinh Lăng Nghiêm, ở chương Đại Thế Chí Niệm Phật, ta được học rằng trong khi mẹ nhớ con và đi tìm con, nếu con cũng nhớ mẹ và đi tìm mẹ thì thế nào mẹ và con cũng tìm được nhau và hai mẹ con sẽ không bao giờ xa nhau. Điều này cũng đúng với liên hệ thầy và đệ tử: nếu thầy có chủ tâm đi tìm đệ tử trong khi đệ tử cũng có chủ tâm đi tìm thầy thì chắc chắn là thầy và đệ tử sẽ gặp nhau. Thầy tìm được con thì thầy nắm tay con để đi trên con đường thực tập, con trở thành thầy và thầy có trong con. Và như thế trong tay con đã có tay thầy.

Bài kệ xưng tán Pháp Hoa như sau:

Đêm tụng kinh Pháp Hoa

Tiếng xao động tinh hà

Địa cầu vừa tỉnh giấc

Lòng đất bỗng đơm hoa

Đêm tụng kinh Pháp Hoa

Bảo tháp hiện chói lòa

Khắp trời Bồ tát hiện

Tay Bụt trong tay ta

Tay Bụt trong tay ta có nghĩa là ta được nắm tay Bụt mà đi. Cũng có nghĩa là trong tay ta đã có tay Bụt. Bụt và ta không còn là hai thực tại riêng biệt. Ta và Bụt bất nhị. Lúc ấy thì hạnh phúc ta rất lớn.

Tay Thầy trong tay con - tuyển tập những lá thư thầy viết cho đệ tử. Mỗi lá thư là một chứng tích của tình Thầy, chứa đựng trọn vẹn những gì Thầy muốn trao truyền. Những lá thư ấy không bị giới hạn bởi thời gian, chúng có giá trị miên viễn. Do vậy không thể xếp theo trình tự thời gian để ta có thể đón nhận mỗi lá thư trong một hình thức rất mới, nội dung trao truyền được sống dậy trong thời khắc mà ta đang đọc.

Trong sách chúng ta còn tiếp xúc được những thông bạch mà Thầy đã gởi đi trong những năm qua, mỗi thông bạch như những khuôn thước nền tảng thực tập. Và phần cuối là “Câu chuyện người con trai khờ dại” được Thầy viết tại Phương Bối - Bảo Lộc, Lâm Đồng năm 1961. Đọc câu chuyện để ta cảm thêm sự rộng lớn của tình Thầy qua những lá thư. Chúng ta thấy người con trai trong câu chuyện là một người rất thật, và cho đến nay chưa một lần từ chối làm người “khờ dại” cho tình thương.

Chúng ta cùng đón nhận “mối tình” rất đẹp này và giữ riêng cho mình những gì rất gần, để cùng hiểu, cùng thương và cùng hiến tặng.

  • Bụt Là Hình Hài Bụt Là Tâm Thức

Ngay những trang đầu, nội dung của cuốn sách đã được trình bày một cách súc tích, đầy đủ qua một hình ảnh rất đẹp: Hình ảnh của người anh lớn đến kịp lúc để giúp người em giải quyết một vấn đề nan giải trên máy vi tính. Người anh nói: “Em ngồi qua một bên, anh làm cho.” Người em tức thì cảm thấy vững lòng dù chưa biết vấn đề có được giải quyết ổn thỏa hay không. Người anh lớn đó chính là Đức Bụt trong lòng mỗi chúng ta, là sự hiểu biết sáng suốt của chúng ta. Thầy Thích Nhất Hạnh cũng chính là người anh lớn đó, lúc nào cũng gần gũi, thân thiết và kiên nhẫn. Mỗi trang sách là một lời nhắn nhủ, ta như đang nghe giọng nói nhẹ nhàng, dí dỏm của Thầy: “Các bạn cứ nhìn lại xem, tình thương và tuệ giác của Bụt ở ngay trong lòng của bạn.”

“Bụt là hình hài, Bụt là tâm thức” là một cuốn sách nhỏ, đầy chất thi ca, đầy hình ảnh của Phật giáo cổ truyền được diễn bày bằng ngôn ngữ tâm linh của người Tây phương, điều đó để giúp ta hiểu rằng tất cả mọi vấn đề của thế gian đều mang một ý nghĩa chung: Đó là ý nghĩa tương tức mà Bụt đã dạy, không có gì mà không liên hệ mật thiết với nhau, không có gì là tách biệt nhau. Cho nên đọc cuốn sách này, ta phải đọc cho tất cả mọi người, để tất cả cùng nhau đóng góp xây dựng hạnh phúc cho mỗi người anh em của mình trên Trái đất này.

“Bụt là hình hài, Bụt là tâm thức” (Buddha Body, Buddha Mind) do nhà Parallax ấn hành. Đó là nhà xuất bản mà Thầy Thích Nhất Hạnh và Arnold Kotler lập ra từ năm 1987, bây giờ đã trở thành một cơ quan xuất bản không vụ lợi của Cộng đồng sinh hoạt chánh niệm có nhiệm vụ quảng bá sách của Thầy và các tác giả khác viết về chủ đề Đạo Phật đi vào cuộc đời. Quyển sách này là một tác phẩm về Phật giáo Tâm lý học mới thuộc loại xuất sắc nhất. Và chúng ta không ngạc nhiên khi sách bắt đầu bằng pháp môn thực tập thiền đi. “Thực tập thiền đi chậm một mình, quý vị hãy thử phương pháp này: thở vào và bước một bước, chú tâm hoàn toàn vào gan bàn chân. Nếu quý vị chưa ‘về,’ chưa ‘tới’ được một trăm phần trăm thì đừng bước thêm bước nào nữa cả. Cứ đợi cho quý vị về tới giây phút hiện tại được một trăm phần trăm rồi thì mới bước đi bước kế tiếp. Quý vị có thể ‘xài lớn’ thì giờ như vậy. Và khi quý vị thấy mình đã về đã tới được một trăm phần trăm rồi thì hãy mỉm cười và bước thêm một bước khác.

Bước đi như vậy, quý vị in xuống đất sự vững chãi và thảnh thơi của quý vị.” Bụt là hình hài, Bụt là tâm thức là một cuốn sách tiếp nối công trình, phát huy giáo lý Duy Biểu của Thầy Nhất Hạnh, lấy cảm hứng từ kinh Lăng Già và các bộ luận của tổ Thế Thân, sống vào thế kỷ V.

  • Thiền Sư Khương Tăng Hội

Thiền Sư Khương Tăng Hội là một cuốn sách của Thầy Thích Nhất Hạnh, nói về cuộc đời và quá trình tu tập của thiền sư Tăng Hội - Tổ sư của Thiền Tông Việt Nam.

Mới hơn mười tuổi thì cả cha và mẹ đều qua đời, và thầy được nhận vào chùa làm chú tiểu. Sa di Tăng Hội đã được học kinh Phật bằng tiếng Phạn và cũng đã được học chữ Hán. Lớn lên, thọ GIỚI LỚN, không những thầy tinh thông Phật học mà cũng tinh thông cả Nho học lẫn Lão học. 

Sự nghiệp thiền sư Tăng Hội rất lớn lao. Nhờ vào những trước tác của thầy, ta biết được hành tướng của sự thực tập thiền tại trung tâm Luy Lâu (Việt Nam) và tại trung tâm Kiến Nghiệp (Trung Quốc) ngày xưa. Tư tưởng Thiền của thầy Tăng Hội là tư tưởng thiền Đại Thừa, đi tiên phong cho cả tư tưởng Hoa Nghiêm và Duy Thức. Tuy nhiên, thiền pháp của thiền sư Tăng Hội rất thực tiễn, không hề để thiền giả bay bỗng trong vòm trời lý thuyết. Căn bản của thiền pháp này vẫn là sự thực tập hơi thở ý thức và pháp quán chiếu về bốn lĩnh vực hiện hữu gọi là tứ niệm xứ và các pháp quán tưởng căn bản đã được nêu ra trong các thiền kinh nguyên thỉ. Nhân cách của thiền sư Tăng Hội là một nhân cách vĩ đại. Ta chỉ cần đọc bài kệ mà Tôn Xước, một người trí thức trong hoàng gia Đông Ngô đề lên tranh tượng của thầy sau đây thì đủ thấy được nhân cách ấy:

Lặng lẽ, một mình,

đó là khí chất

tâm không bận bịu

tình không vướng mắc

đêm đen soi đường

lay người thức giấc

vượt cao, đi xa

thoát ngoài cõi tục.

Giá sản phẩm trên Tiki đã bao gồm thuế theo luật hiện hành. Bên cạnh đó, tuỳ vào loại sản phẩm, hình thức và địa chỉ giao hàng mà có thể phát sinh thêm chi phí khác như phí vận chuyển, phụ phí hàng cồng kềnh, thuế nhập khẩu (đối với đơn hàng giao từ nước ngoài có giá trị trên 1 triệu đồng).....

Hình ảnh sản phẩm

Bộ sách Thiền sư Thích Nhất Hạnh Phần 1: Gieo Trồng Hạnh Phúc - Tìm Bình Yên Trong Gia Đình - Muốn An Được An - Tĩnh Lặng - Đạo Phật Ngày Nay - Con Đường Chuyển Hóa - Hướng Đi Của Đạo Bụt Cho Hòa Bình Và Sinh Môi - Tay Thầy Trong Tay Con - Bụt Là Hình Hài
Bộ sách Thiền sư Thích Nhất Hạnh Phần 1: Gieo Trồng Hạnh Phúc - Tìm Bình Yên Trong Gia Đình - Muốn An Được An - Tĩnh Lặng - Đạo Phật Ngày Nay - Con Đường Chuyển Hóa - Hướng Đi Của Đạo Bụt Cho Hòa Bình Và Sinh Môi - Tay Thầy Trong Tay Con - Bụt Là Hình Hài

Giá LENDA

Thông tin chi tiết

Công ty phát hànhThái Hà
Ngày xuất bản2018-08-18 15:30:14
Kích thước13 x 20.5 cm13 x 19 cm15.5 x 24 cm
Loại bìaBìa mềm
Nhà xuất bảnNhà Xuất Bản Lao Động
SKU5474177046171
Liên kết: [BIGSIZE_75ml] Tinh chất dưỡng trắng sáng Dr. Belmeur Vita Serine Tone Smoothing Serum