Giới thiệu Sách tiểu thuyết - Vụ án mạng ở lữ quán Kairotei
Tác giả: Higashino Keigo Dịch giả: Dã Tràng Nhà xuất bản: Hà Nội Số trang: 292 Kích thước: 14x20.5 cm Ngày phát hành: 07-2020 Không giống như nhiều tác phẩm khác của tác giả Higashino Keigo, tác phẩm thường được kể theo ngôi thứ ba, người kể chuyện mang điểm nhìn toàn tri bao quát toàn bộ diễn tiến câu chuyện, tường thuật lại chi tiết quá trình điều tra cũng như suy nghĩ cả phía người điều tra lẫn những bên liên quan đến vụ án. Thì Vụ án mạng ở lữ quán Kairotei (cũng như Án mạng mười một chữ), được kể theo ngôi kể thứ nhất, người kể chuyện xưng tôi, tự thuật lại hành trình theo đuổi vụ án của người đó. Và một điểm đặc biệt nữa, nhân vật xưng “tôi” ở đây là một nhân vật nữ, chịu nhiều bất hạnh, phải tự gồng mình lên để đòi lại công lý cho bi kịch chính bản thân cô phải chịu đựng.
Đó là cô gái 32 tuổi tài năng, thư ký riêng của tổng giám đốc Ichigahara Takaaki – Kiriyu Eriko. Cô gái ấy đã bị chính người đàn ông cô yêu mưu đồ ám sát giữa đêm tối tại lữ quán Kairotei. Sau khi bóp cổ cô, anh ta châm lửa hòng tự sát và thiêu rụi toàn bộ chứng cứ. Nhưng may mắn, Eriko sống sót một cách thần kì; tuy vậy, cô cũng bị hủy hoại nhân hình trong vụ hỏa hoạn. Tuy nhiên, với Eriko, đó không phải là kết thúc bởi ẩn tình, sự thật đằng sau vụ án, yêu hận tình thù cùng trách nhiệm cô mang với tổng giám đốc Ichigahara Takaaki vẫn còn đè nặng trên vai cô. Bởi vậy, Eriko đã hi sinh tất cả, kể cả tên gọi, kể cả danh tính, hóa thân vào vai bà lão Honma Kikuyo đã qua đời, nửa năm sau quay lại lữ quán Kairotei vào ngày công bố di chúc của ông Ichigahara nhằm báo thù và đòi lại công lý.
Chính vì đặt điểm nhìn vào vai người phụ nữ đã mất tất cả, để con người đó tự xưng tôi mà tràn ngập trong cuốn tiểu thuyết Vụ án mạng ở lữ quán Kairotei là những suy nghĩ riêng, là suy luận cá nhân, là ánh nhìn chủ quan qua con mắt của một kẻ như chỉ còn sống mà chờ đợi giây phút khám phá ra tất cả ẩn tình, như chỉ tồn tại để đợi chờ phút giây tự tay cô chấm dứt tất cả. Cũng từ ngôi kể thứ nhất đấy mà điểm nhìn trần thuật cũng dễ dàng hướng ra bên ngoài theo ánh nhìn, sự đánh giá của nhân vật đồng thời nhanh chóng trở thành điểm nhìn bên trong khắc họa nội tâm con người.
Và, một câu chuyện trinh thám, được kể từ ngôi thứ nhất đặt lên vai nạn nhân, người bị hại mà chất bi của truyện lại càng thêm sâu sắc. Quá khứ đau thương, vụ hỏa hoạn cách đấy nửa năm tước đi của Eriko tất cả: tình yêu, tương lai, tuổi trẻ. Câu chuyện vì thế như đã vượt ra ngoài một tiểu thuyết trinh thám đơn thuần mà mang đặc điểm của một cuốn tự truyện: tản mát trong suy nghĩ, đứt gãy trong hành động, sự đan xen liên tiếp quá khứ và hiện tại… Bởi vậy sự cực đoan, sự hồ nghi tất thảy, thậm chí là sự lạnh lùng trong ý nghĩa mà cô mang, rất dễ tạo sự đồng cảm nơi độc giả.