Nhà văn Kim Lân tên thật là Nguyễn Văn Tài, sinh ngày 1 tháng 8 năm 1921 (28 tháng 6 Tân Dậu), tại xã Phù Lưu, huyện Từ Sơn (nay là Tiên Sơn), tỉnh Bắc Ninh. Nhà nghèo, hồi nhỏ cậu bé Tài chỉ học đến lớp Nhất, rồi phải đi phụ việc cho các thợ đàn anh (sơn guốc, khắc tranh bình phong) để giúp gia đình kiếm sống.
Nhờ chịu khó quan sát và suy ngẫm, lại có dịp đi đến nhiều làng xã trong vùng, nên từ hồi còn ít tuổi, ông đã có vốn hiểu biết khá dày dặn về những phong tục tập quán và tinh hoa văn hóa dân gian trong cuộc sống ở vùng Kinh Bắc quê hương ông, chuẩn bị tốt để ông trở thành nhà văn sau này với những trang đặc sắc về phong tục nông thôn Việt Nam và cả trong những bước cách mạng chuyển mình.
Đầu những năm 40, trên các báo Tiểu thuyết thứ Bảy và Trung Bắc Chủ nhật, ông đã có một số truyện được đăng với tên mới là Kim Lân trong lúc còn là anh thợ sơn guốc. Ở loạt truyện này, chủ yếu Kim Lân kể lại những cảnh đời cơ khổ và một số sinh hoạt văn hóa phong phú ở thôn quê (chọi gà, thả chim, đấu võ, đánh vật). Giữa cuộc sống nhọc nhằn đầy bức xúc, những trang văn ấy giúp người đọc nhận biết: sau lũy tre xanh từ bao đời nay, người nông dân sống lam lũ, cần cù, hai sương một nắng, nhưng tháng ba ngày tám và những buổi sang xuân, vẫn tổ chức những trò vui, qua đó, thể hiện sự thông minh, tài hoa, một tâm hồn tươi sáng, lành mạnh, yêu đời; những phong tục đất lề quê thói của người Phù Lưu - Chợ Giầu coi trọng lễ hội và nhân tình.