Văn Hóa Làng Ở Việt Nam Tác giả: Vũ Ngọc Khánh Nhà xuất bản: Văn hóa dân tộc Năm xuất bản: 2018 Khổ: 13,5 x 21 cm Số trang: 464
Cho đến nay, sau một số cuộc trao đổi, thuật ngữ "văn hóa làng" có lẽ đã được chấp nhận và nhất trí. Có văn hóa làng và đó là văn hóa làng ở Việt Nam. Thuật ngữ này nên được hiểu theo góc độ nghiên cứu lịch sử văn hóa, lịch sử văn minh nhân loại. Trong cuộc sống chung, mỗi lúc nhân loại phát hiện (sáng chế) ra được một sự kiện (hay hiện tượng) vật thể hoặc phi vật thể nào, mà hiện tượng (sự kiện) ấy lập tức phát huy tác dụng và có ảnh hưởng tốt đến đời sống - nhất là đời sống văn hóa của con người (cả trong không gian và thời gian) - thì có thể gọi đó là văn hóa (kèm theo với tên sự kiện, hiện tượng). Ta có văn hóa bầu bí, văn hóa đồ đồng, rồi văn hóa Đông Sơn hay văn hóa Thăng Long, chính là theo cách đặt tên như thế. Làng cũng vậy. Khi ta chưa có làng, nhân dân ở các điểm cộng cư, sinh hoạt vật chất và tinh thần hoàn toàn khác với khi có làng. Vậy có làng thì phải có văn hóa làng. Ở Việt Nam có văn hóa làng theo cách riêng của ta.