Giới thiệu Sách - Việt Nam - Campuchia, Sự Tương Đồng Giữa Hai Nền Văn Hóa
Sách - Việt Nam - Campuchia, Sự Tương Đồng Giữa Hai Nền Văn Hóa Tác giả TS. Nguyễn Phương Liên (Chủ biên) Nhà xuất bản NXB Thông Tin & Truyền Thông Đơn vị phát hành NXB Thông Tin & Truyền Thông Ngày xuất bản 2021 Số trang 320 Kích thước 14.5 x 20.5 cm Loại bìa Bìa mềm Nội dung "Con người từ buổi sơ khai đã sinh ra và tồn tại ở khắp nơi trên Trái đất, để có thể sinh tồn, theo một cách rất bản năng, họ kết lại thành bầy đàn để tự vệ cũng như lao động sản xuất. Từ sự tự phát bản năng ấy, các nhóm cùng tồn tại trên một phạm vi lãnh thổ, cùng lao động, tích lũy, làm giàu cho bản thân và cộng đồng. Song hành cùng quá trình đó chính là sự tự ý thức về chủ quyền, quyền lực ngày càng rõ ràng hơn. Quá trình tất yếu tiếp theo chính là nhu cầu về sự mở rộng phạm vi sống, chinh phục những miền đất mới và làm giàu tích lũy. Sự chia cắt, sáp nhập, di dời, lưu vong đã tạo ra những biến cố liên tục dẫn đến những thay đổi tất yếu và thường xuyên trong cộng đồng người. Để có thể vượt qua các mâu thuẫn nảy sinh đó, con người chọn cách gắn kết chặt chẽ lại với nhau và phân biệt nhau không chỉ trên lãnh thổ. Điều này nghĩa là gì? Văn hóa được tạo ra không phải sự tách biệt, riêng biệt, mà nó là sản phẩm của sự sáng tạo trong quá trình phát triển và văn hóa cũng chính là một dạng “cương vực, lãnh thổ” bởi nó mang đặc trưng dân tộc, hay căn tính dân tộc. Căn tính dân tộc là một phạm trù có tính lịch sử của tồn tại xã hội, được xác lập trên cơ sở những đặc điểm của hiện hữu khách quan ban đầu khi cộng đồng mới hình thành và vẫn tiếp tục thay đổi, ổn định trong quá trình cộng đồng đó vận động, phát triển. Căn tính của một dân tộc được hợp nhất bởi căn tính của mỗi cá nhân trong cộng đồng trên nguyên lí của sự đồng hóa, dung hòa và thích nghi để cùng tồn tại, do đó, nó đại diện cho một nhóm người trong một phạm vi không gian văn hóa nhất định. Như vậy, văn hóa chính là một mặt biểu hiện quan trọng của căn tính dân tộc. Đi tìm bản sắc văn hóa, căn tính dân tộc (national identity) hay tính dân tộc (nationality) thực chất đều là đi tìm cái riêng, cái đặc thù về văn hóa của dân tộc ấy. Điều này có thể hiểu là, nếu lãnh thổ là cơ sở đầu tiên để xác định một dân tộc thi nền tảng tiếp theo để làm nên dân tộc tính của một cộng đồng người chính là những tập quán và tính cách được hình thành trong một thời gian dài chung sống với những điều kiện tự nhiên xã hội nhất định. Mỗi một cá nhân khi sinh ra sẽ mang những căn tính riêng thuộc về mặt sẵn có, tuy nhiên, mặt khác nó tiếp tục hình thành và phát triển trong quá trình lớn lên và sinh tồn. Căn tính cá nhân đó ảnh hưởng từ phạm vi nhỏ là cộng đồng gia đình, đến phạm vi lớn là cộng đồng dân tộc. Hiếm có dân tộc nào cho đến nay vẫn giữ được nguyên vẹn thành phần tộc người, phạm vị lãnh thổ, hình thái xã hội như buổi sơ khai con người tìm đến với nhau và quyết định chia sẻ môi sinh, tài nguyên thiên nhiên và quyền lợi tập thể. Nhà nghiên cứu Trần Đình Hượu trong bài viết “Về vấn đề tìm đặc sắc văn hóa dân tộc” đăng trên Tạp chí Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật số 1/1986 đã khẳng định rằng: “Cho nên, tìm đặc sắc văn hóa dân tộc, nếu không muốn là suy đoán chủ quan, thay thế kết luận khoa học bằng những mục tiêu tuyên truyền, như khi kháng chiến thì nói đặc tính của dân tộc ta là yêu nước, bất khuất, khi xây dựng xã hội chủ nghĩa thì là cần cù lao động, khi gặp khó khăn thì lại là lạc quan yêu đời... thì chúng ta không nên hình dung đó là công việc nhận xét tổng hợp các thành tựu về tư tưởng, văn học, hội họa, âm nhạc, kiến trúc,... mà phải đánh giá đầy đủ bản lĩnh sáng tạo của dân tộc”. Điều mà nhà nghiên cứu muốn chỉ ra ở đây là vốn văn hóa dân tộc không được xác lập ngay vào thời kì định hình mà là cái được ổn định dần qua thời gian cho đến trước thời cận hiện đại Bản sắc văn hóa, căn tính dân tộc của một đất nước đang phát triển như Việt Nam vẫn đang tiếp tục thay đổi và ổn định trước công cuộc mở cửa và hội nhập như vũ bão của thời đại toàn cầu hóa. Bên cạnh chúng ta, người Khmer với quốc gia mang tên Campuchia hiện nay cũng đang từng bước vững chắc phục hưng nền văn hóa trong văn minh lâu đời của chính mình như sức mạnh để vươn tới vị trí cao hơn sau những khủng hoảng về chính trị đã cách xa gần nửa thế kỷ. "