Giới thiệu Sách - Việt Nam Học Ngày Nay - Kỉ Yếu Hội Thảo Khoa Học Quốc Tế
Sách - Việt Nam Học Ngày Nay - Kỉ Yếu Hội Thảo Khoa Học Quốc Tế Tác giả Trường Đại Học Sư Phạm Hà Nội- Khoa Việt Nam Học Nhà xuất bản NXB Đại Học Quốc Gia Hà Nội Đơn vị phát hành Nguyễn Thị Phương Dung Ngày xuất bản 12-2020 Số trang 376 Kích thước 16 x 24 cm Loại bìa Bìa mềm Nội dung "Kỉ niệm 15 năm thành lập Khoa Việt Nam học 2015-2020), cuốn sách tuyển chọn những công trình tiêu biểu của Hội thảo quốc tế Việt Nam học ngày nay ra đời như sự ghi nhận chặng đường phát triển bền bỉ của Khoa, cũng như của ngành Việt Nam học nói chung. Hướng mục tiêu vào hai cái đích là bảo tồn, phát triển văn hóa bản địa và quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, trong thời gian qua, Khoa Việt Nam học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã sát cánh cùng các cơ sở đào tạo khác như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh,... nỗ lực không ngừng để hoàn thiện ngành đào tạo Việt Nam học và đưa việc dạy học tiếng Việt ra nước ngoài như là cầu nối quan trọng trong tiến trình toàn cầu hóa và phát triển đất nước. Trong thế giới phẳng ngày nay, vấn đề cần tính dân tộc lại càng được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết, Chuyện hòa tan truyền thống giữa các quốc gia là điều không một dân tộc, một đất nước nào mong muốn. Việc giữ nguyên bờ cõi văn hóa, một mặt là để khẳng định chủ quyền và những quyền lợi thích đáng của con người, mặt khác là tạo động lực cạnh tranh cho sự phát triển toàn cầu. Nhìn lại chặng đường 15 năm qua, ngành Việt Nam học đã đạt được những thành tựu đáng kể. Chỉ riêng ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ban đầu chỉ là một bộ môn của Khoa Ngữ văn, Khoa Việt Nam học dần trưởng thành và vững vàng cho đến ngày nay. Từ việc đào tạo mấy mươi sinh viên, nay số lượng sinh viên trong và ngoài nước đang học tập tại Khoa đã lên đến trên 500, Từ đào tạo một mã ngành Việt Nam học, nay Khoa đảm trách thêm hai mã ngành: Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành và Tiếng Việt và văn hóa Việt Nam, Từ đào tạo cử nhân, nay Khoa đã đào tạo thạc sĩ, tiến tới sẽ đào tạo tiến sĩ. Chừng ấy đủ để khẳng định những nỗ lực không ngừng nghỉ của các thầy cô giáo, Khoa Việt Nam học non trẻ là nơi tập hợp giảng viên của nhiều khoa trong và ngoài trường để tạo nên một tập thể đa sắc thái. Nhưng điều căn cốt nhất lại là tinh thần đoàn kết, yêu thương giúp đỡ nhau cùng hướng về cái địch là truyền bá tri thức và lan tỏa lí tưởng nhân văn cho cộng đồng. Hiện tại khoa có 20 giảng viên (01 giáo sư, 02 phó giáo sư, 13 tiến sĩ và 04 thạc sĩ, nghiên cứu sinh). Con số này còn khá khiêm tốn so với nhu cầu đào tạo thực tiễn, nhưng dưới sự điều phối của Ban Giám hiệu nhà trường, cùng với sự chia sẻ công việc của các khoa trong trường đã tạo một nền tảng vững chắc để Khoa Việt Nam học ngày càng phát triển. Khoa Việt Nam học đã và đang trên đường khẳng định khả năng khoa học của mình. Hiện tại giảng viên của Khoa chủ nhiệm hai đề tài cấp Nhà nước, nhiều đề tài cấp Bộ và cấp Trường. Giảng viên hàng năm cho công bố bình quân 03 bài trên một người, trong đó có đến trên mười bài đăng ở các tạp chi nước ngoài, thuộc danh mục Scopus. Cuốn sách này cũng nối dài thành tích nghiên cứu đó, Ba mảng chính được cấu trúc trong sách bao gồm các vấn đề lí thuyết về Việt Nam học, các nghiên cứu liên ngành và mảng nghiên cứu dạy học tiếng Việt cho người nước ngoài. Góp sức cho thành công của cuốn sách còn có các công trình được gửi đến từ các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Từ Đức, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc,... từ Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Bình,... đến Hà Nội, đã cho thấy sự quan tâm của giới nghiên cứu đến Việt Nam học. Điều này cho thấy sức hút của Việt Nam học đến đời sống văn hóa đương đại. Có thể nói, chính những vấn đề thuộc đất nước học này là nền tảng quan trọng cho những nghiên cứu chuyên sâu và liên ngành của nhiều ngành nghiên cứu khác thuộc khoa học xã hội và nhân văn trong và ngoài nước. Thành tựu hôm nay chỉ là điểm tựa để bước tiếp. Cuốn sách này ghi dấu một giai đoạn, một kỉ niệm đẹp mà rồi, tất yếu không thể tránh sẽ phôi pha theo năm tháng, sóng biển Đông lớp sau tiếp nối lớp trước, điệp trùng với thời gian. Xin gửi lời tri ân chân thành đến các nhà nghiên cứu đã tham dự Hội thảo và cho phép ban tổ chức tuyển chọn công trình đưa vào cuốn sách này. Hẹn gặp lại các nhà nghiên cứu, những người mến yêu ngành và Khoa Việt Nam học trong những Hội thảo khác trong tương lai.