Combo Sách Y Học Lý Thú: Sống Lành Để Trẻ + Ám Ảnh Ăn Sạch + Về Nhà Ăn Cơm - 45 Công Thức Thuần Chay Cho Mâm Cơm Nhà Bạn
1, Sống Lành Để Trẻ
Không bao giờ là quá muộn để bắt đầu trẻ hóa
Bạn ăn thế nào thì bạn sẽ trở thành thế ấy. Quả đúng như vậy. Và bạn cảm thấy mình trẻ (già) tới mức nào, bạn sẽ trẻ (già) đúng ở mức đó.
Năm tháng chỉ là một phương tiện đánh dấu các mốc thời gian và chẳng hề có chút liên hệ nào với tuổi tác. Một người 30 tuổi có thể đã già, và một người 70 tuổi có khi vẫn trẻ.
Thể trạng hiện tại là hệ quả trực tiếp của toàn bộ sự chăm sóc cả về mặt tinh thần và thể chất mà cơ thể nhận được trong quá khứ.
Tôi muốn nhấn mạnh sự chăm sóc về TINH THẦN trước tiên, bởi vì trạng thái tâm trí đóng vai trò sống còn đối với thể trạng của mọi con người. Một người không thể có sức khỏe nếu anh ta cứ liên tục nghĩ về bệnh tật; không thể hạnh phúc nếu tâm trí luôn bị đám mây u sầu che phủ; và không thể trẻ trung nếu luôn để bản thân bị ám ảnh bởi sự tàn phá của tuổi già.
Trẻ trung tức là tất cả hoặc phần lớn những thuộc tính của tuổi trẻ, sức khỏe, năng lượng, sinh khí, và nụ cười thường trực đều được thể hiện qua đôi mắt, vành môi. Trẻ trung nghĩa là luôn chan hòa, thân ái, lịch thiệp và hòa nhã với tất cả mọi người, không phân biệt tín ngưỡng, màu da hay địa vị xã hội. Và trẻ trung còn đồng nghĩa với việc luôn giữ cho bản thân ở trạng thái năng động, luôn có việc gì đó để làm, sao cho không một giây một phút nào bạn cảm thấy thời gian trôi qua thật lê thê, chậm chạp.
Ở khía cạnh tinh thần, chúng ta phải nỗ lực lao động để thu được hoa trái là SỰ TRẺ HÓA.
Khía cạnh thể chất tuy có đơn giản hơn song lại đòi hỏi một ý chí sắt đá và một lòng kiên định vững như bàn thạch. Trẻ hóa về mặt thể chất tức là tái xây dựng và tái tạo lại cơ thể. Công việc này thoạt tiên tưởng chừng quá đỗi đơn giản nhưng trên thực tế lại đòi hỏi rất nhiều thời gian cùng một lòng kiên nhẫn và ý chí sắt đá.
Đa số mọi người khi bước qua tuổi 30, rồi 40, và 50, đều rất dễ thốt ra những câu đại loại như: “Ước gì tôi níu giữ được tuổi xuân… Ước gì tôi có thể trẻ ra ít nhất vài tuổi… Ước gì chỗ nếp nhăn kia biến mất… Ước gì da tôi không chảy xệ… Ước gì…”
Vâng, cứ như thế, chúng ta ước, rồi lại ước và ước, cho đến một lúc, chúng ta hoảng sợ và nháo nhào tìm đến những phương tiện nhân tạo hòng giấu đi “sự tàn phá của tuổi tác”. Những phương tiện ấy có thể giúp chúng ta tự đánh lừa bản thân trong phút chốc nhưng sẽ không bao giờ che nổi con mắt của thiên hạ.
TRẺ HÓA có phải là mơ ước của bạn? BẠN, và chỉ bạn, mới có thể biến điều đó thành sự thực. TRẺ HÓA không phải là một điều bí ẩn, mà là một lẽ thường tình và một quá trình tự huấn luyện, tự kỷ luật cực kì nghiêm ngặt.
TRẺ HÓA phải đi đôi với KHỎE MẠNH. Khỏe mạnh không chỉ đơn thuần là “cảm thấy ổn”, mà khỏe mạnh có nghĩa là bạn nhận biết và hiểu rõ từng bộ phận trong cơ thể mình hệt như một chuyên gia ô tô thuộc nằm lòng cấu tạo của chiếc ô tô đến từng con ốc vít.
Bạn có biết VÌ SAO bạn phải ăn và uống? Sự khác nhau giữa thực phẩm và DINH DƯỠNG là gì? Điều gì diễn ra trong cơ thể bạn khi bạn đang ăn và trong hàng tiếng đồng hồ sau khi ăn xong?
Bạn có biết VÌ SAO bạn thở? Điều gì xảy ra khi bạn hít không khí vào phổi? Và cái gì đang diễn ra mỗi khi bạn đẩy một luồng khí ra khỏi phổi của mình?
Bạn có biết VÌ SAO bạn cần ngủ và nghỉ ngơi? Bạn có biết VÌ SAO cơ thể phải đào thải các chất cặn bã? Nó làm công việc đó BẰNG CÁCH NÀO? Và điều gì sẽ xảy ra khi chất thải KHÔNG ĐƯỢC loại bỏ khỏi cơ thể bạn? Bạn đã bao giờ cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức? Đâu là nguyên nhân dẫn đến cảm giác đó? Bạn đã bao giờ bị đau đầu chưa? Cái gì đã tạo ra vấn đề đó? Bạn có biết aspirin và những sản phẩm tương tự thúc đẩy sự lão hóa nhanh tới mức nào không? Bạn có đang khổ sở với các búi trĩ? Đâu là nguồn cơn của những khốn khổ ấy? Bạn có biết rằng chúng không chỉ ảnh hưởng tới toàn cơ thể mà còn tác động tới cả tinh thần của bạn? Bạn có biết rằng việc dùng phẫu thuật hoặc kim điện tử để cắt bỏ búi trĩ chỉ càng khiến những điều kiện tạo ra chúng trở nên trầm trọng thêm, và rất có thể chỉ trong vòng 1–2 năm sau đó, chúng sẽ xuất hiện trở lại? Bạn có đang gặp vấn đề với các chứng tim mạch? Bạn có biết hầu hết các bệnh được cho là liên quan đến tim CHƯA CHẮC đã xuất phát từ các vấn đề ở tim mà là từ một bộ phận rất dễ điều chỉnh khác? Và bạn có biết, những vấn đề như vậy thường là hậu quả của việc tiêu thụ một số loại thực phẩm nhất định?
Bạn có tin rằng tất cả những quảng cáo về thực phẩm và biện pháp điều trị mà bạn đọc hoặc nghe qua đài phát thanh đều đúng sự thật và hữu ích? Nếu quả vậy thì bạn đã lầm to! Chúng phần lớn chỉ dựa trên những sự thật nửa vời và những điều giả dối. Đa số các thực phẩm được quảng cáo rầm rộ, đặc biệt là thực phẩm chứa tinh bột và bột mì, đều là trợ thủ đắc lực đẩy nhanh tốc độ lão hóa; còn phần lớn những biện pháp điều trị được tung hô hết lời kia đều góp phần rút ngắn thời gian sống của chúng ta. Hãy học cách phân biệt đúng sai. Để TRẺ HÓA, chúng ta phải có NĂNG LƯỢNG. Muốn vậy, chúng ta phải nghiên cứu và thực hành những nguyên tắc cơ bản nhằm sản sinh và bảo tồn năng lượng.
Bạn có lo âu và phiền não về những vấn đề mà mình không có khả năng kiểm soát? Bạn có biết, những phiền não và lo âu ấy sẽ khiến nguồn năng lượng mà bạn dày công tích lũy tiêu tan nhanh chóng? Và bạn có biết, đây là một trong những kẻ thù lớn nhất của tuổi thanh xuân?
Bạn có thường lao vào công việc mà không cần lượng trước sức mình, cứ làm miệt mài mà không đếm xỉa gì đến việc nghỉ ngơi? Bạn có hiểu rằng làm như vậy tức là bạn đang tiêu xài phung phí năng lượng của mình theo đúng nghĩa đen, và cái giá phải trả sẽ là cả tuổi thanh xuân lẫn hiệu suất lao động?
Bạn có biết CHẤT LƯỢNG không khí trong phổi của bạn có thể khiến bạn bị hao tổn năng lượng và mệt mỏi tới mức nào không? Một số mô trong cơ thể có tác dụng giúp bạn kéo dài tuổi xuân, nhưng bạn có biết nước ngọt có ga cũng phá vỡ chúng nhanh không kém gì các loại rượu mạnh hay không?
Muốn TRẺ HÓA chúng ta phải có SINH LỰC. Sinh lực không đơn thuần là những biểu hiện tức thời của sự hoạt động, vận động nhanh hoặc những đợt sóng tinh thần dâng trào bất chợt. Sinh lực xuất phát từ một cảm giác sâu sắc về sự thư thái, cân bằng, tỉnh thức và sức mạnh khiến bạn luôn sống với cảm giác như đang được “đứng trên đỉnh của thế giới” và luôn cảm nhận được rằng, từng giây từng phút trong cuộc đời mình đều là những phút giây quý báu đáng sống.
Bạn có biết điều gì tạo nên sinh lực? Bạn có nhận thấy khi được cân bằng đúng cách, sinh lực của bạn sẽ làm khơi mở những điều tốt đẹp nhất ở những người chung quanh, nhờ đó họ sẽ biết trân trọng và nuôi dưỡng những điều tốt đẹp nhất trong con người tất cả chúng ta?
Bạn có biết sinh lực sẽ đưa bạn thành người dẫn đầu, trong khi thiếu sinh lực có thể sớm biến bạn thành kẻ bỏ đi? Mà trở thành kẻ bỏ đi há chẳng phải là cách nhanh nhất để đi đến sự già nua hay sao?
Bạn có bao giờ thử ngẫm xem bằng cách nào mà sinh lực có thể biến những con người giản dị nhất trở thành đẹp đẽ đến hoàn hảo? Và bạn có bao giờ dừng lại phút chốc để tưởng tượng xem vẻ đẹp đó sẽ biến mất nhanh chóng ra sao khi người ấy mất dần sinh lực chỉ vì sự cẩu thả trong thói quen ăn uống và sinh hoạt?
Bạn có bao giờ để ý thấy những cặp vợ chồng bỗng nhanh chóng già đi trước tuổi thậm chí chỉ trong một thời gian ngắn sau khi kết hôn; cả hai bên đều không giữ được dáng vẻ chải chuốt vốn từng là điểm hấp dẫn của họ trong mắt đối phương thời còn tán tỉnh hẹn hò? Bạn có biết thứ gì đã hút cạn sinh lực trong họ và đẩy họ rơi vào tình trạng ấy?
Tất cả những câu hỏi trên, cùng rất nhiều câu hỏi khác, đều có mối liên hệ trực tiếp với vấn đề làm thế nào để TRẺ HÓA. Chúng ta cần phải tìm cho chúng lời giải đáp CHÍNH XÁC và cơ bản. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể phác thảo nên một chương trình hợp lý và tuân thủ nó một cách đúng đắn nhằm từng bước loại trừ mọi yếu tố đang rình rập tước mất tuổi thanh xuân của ta.
Dù đang ở độ tuổi nào, chúng ta đều phải học cách xóa khỏi tâm trí mọi công thức và mọi chỉ dấu của sự già trước tuổi vốn vẫn được xã hội công nhận xưa nay.
Để thực hiện được điều ấy và để đạt được mục tiêu TRẺ HÓA, chúng ta phải học tập, nghiên cứu; hơn hết thảy, kinh nghiệm chính là chất liệu nghiên cứu quý giá nhất. Kinh nghiệm cá nhân tôi cho thấy, việc được sống ở một độ tuổi vốn được coi là “xưa nay hiếm” – được làm một ông lão bảy mươi tuổi sung mãn, sáng suốt, minh mẫn, tràn đầy nhiệt huyết và có cơ thể tráng kiện ngang ngửa một chàng trai ba mươi tuổi – quả là một mục tiêu đáng hướng tới. Về bản chất, các tế bào và mô trong cơ thể của mọi đàn ông và phụ nữ đều giống nhau. Bởi vậy, những thành tựu của một người hoàn toàn nằm trong tầm tay của tất cả mọi người khác. Một khi đã giác ngộ điều này, chúng ta hãy cùng giữ cho tâm trí mình rộng mở để tiếp tục tiến hành những nghiên cứu cần thiết nhằm trang bị cho mình đủ hành trang hướng tới chân trời tươi sáng của một cuộc sống mới trẻ khỏe hơn.
Cuốn sách “Sống lành để trẻ” của tác giả Norman W. Walker sẽ đồng hành cùng bạn!
2, Ám Ảnh Ăn Sạch
Đã từng có thời kỳ nào mà việc ăn uống lại trở nên phức tạp như bây giờ chưa? Chỉ cần dạo quanh một thành phố hiện đại, ta sẽ bị chìm nghỉm trong những lựa chọn về đồ ăn. Chúng ta luôn có những lo lắng nhất định về đồ ăn và ảnh hưởng của chúng đối với cơ thể mình. Mọi người bàn luận nhiều về những thứ “tốt” (như quả bơ) và thậm chí còn nói nhiều hơn về những thứ “xấu” (như đường). Cũng có lý khi chúng ta tỏ thái độ hoài nghi đối với nguồn cung cấp thực phẩm hiện nay. Chưa bao giờ lại có nhiều người mắc bệnh không phải vì thiếu dinh dưỡng mà là do thừa dinh dưỡng đến như vậy, với tỷ lệ mắc tiểu đường típ 2 và các bệnh khác liên quan đến chế độ ăn tăng vọt trên khắp thế giới. Trong thế giới của chúng ta, “đồ ăn” có mặt ở khắp mọi nơi nhưng không còn là chỗ dựa đáng tin cậy tuyệt đối để ta nuôi dưỡng cơ thể và duy trì sức khỏe. Không ngạc nhiên là nhiều người trong chúng ta trở nên bối rối và khổ sở khi phải lựa chọn nên ăn gì. Người ta rất dễ tin rằng có những nguyên tắc ăn uống hoàn hảo nào đó có thể giải thoát họ khỏi tất cả những tình huống nan giải hiện tại.
Thế nhưng chính những thời kỳ phức tạp này lại tạo cơ hội cho các guru (người hướng dẫn) chào bán những giải pháp hứa hẹn đơn giản. Tuy nhiên, những giải pháp này hóa ra không hề đơn giản như chúng ta tưởng. Chúng cũng không mang lại giải pháp đích thực, mà ngược lại, còn đem đến những ý tưởng nguy hiểm và tạo ra hàng loạt vấn đề mới. Nếu chế độ ăn hiện nay không đủ rau, thì liệu câu trả lời có phải là chúng ta không nên ăn gì khác ngoài rau như một số guru đề xuất? Mạng xã hội đầy rẫy những nhà hoạt động sức khỏe hứa hẹn về sức khỏe tuyệt đối – và làn da căng tràn sức sống! – với điều kiện chúng ta phải từ bỏ mọi loại carbohydrate và đường khỏi chế độ ăn và chỉ sống nhờ những thực phẩm như dầu dừa, cải xoăn và các loại rau củ nạo xoắn. Bộ não của ta bị những thông điệp hỗn độn về thực phẩm tấn công dồn dập. Thức ăn lẽ ra phải là nguồn vui đơn giản, là niềm hạnh phúc chung của con người, do vậy thật đáng buồn khi mà đối với nhiều người, bản thân việc ăn uống lại trở thành điều khiến họ thường xuyên cảm thấy tội lỗi và sợ hãi. Bất cứ ai muốn xây dựng một mối quan hệ cân bằng với thực phẩm đều phải tìm cho mình con đường riêng giữa những điều cực đoan.
Nỗi sợ đồ ăn là phản ứng hoàn toàn dễ hiểu với môi trường sống của chúng ta hiện nay, nhất là đối với những người đang trải qua nhiều áp lực khác trong cuộc sống. Nhưng đó cũng là một lối suy nghĩ bất ổn và gây tổn hại sâu xa, như Renee McGregor đã lý giải một cách am tường và điềm đạm trong cuốn sách xuất hiện rất đúng thời điểm này. “Rối loạn ăn uống chọn lọc” (Orthorexia) là chứng rối loạn mà trong đó người bệnh quá tập trung vào việc ăn uống “đúng đắn” đến mức tự đặt ra giới hạn ngặt nghèo cho những thứ họ đưa vào cơ thể. Chứng bệnh này chưa được biết đến nhiều như chứng biếng ăn tâm lý nhưng có thể gây suy nhược cả về thể chất lẫn tinh thần đối với người mắc phải. Có một vấn đề khiến việc chẩn đoán và điều trị chứng rối loạn ăn uống chọn lọc thậm chí còn trở nên khó khăn hơn, đó là đối với nhiều người, các biểu hiện hành vi của nó dường như rất bình thường hay thậm chí còn đáng ca ngợi. Trong vài năm trở lại đây, những cuốn sách về “ăn sạch” (clean eating) thống trị danh mục sách bán chạy trong lĩnh vực ẩm thực ở Anh (mặc dù nhiều tác giả trong số đó gần đây lại không thừa nhận cụm từ này). Ngày nay, việc cắt giảm hoàn toàn những loại thực phẩm nào đó – từ bánh mỳ, đường, gluten đến tất cả các loại carbohydrate – để trở nên khỏe mạnh hơn đã gần như trở thành một trào lưu chính thống.
Vậy “ăn uống sạch” có nghĩa là gì? Các định nghĩa hiện nay rất khác nhau tùy thuộc vào người phát ngôn về nó và cả vào mặt hàng mà họ chào bán. Với một số guru trên Instagram, “ăn sạch” luôn đồng nghĩa với ăn thuần chay và một chế độ ăn “dựa trên thực vật”; trong khi với những người khác, chế độ “ăn sạch” vẫn có thể bao gồm một số loại thịt nhất định. Tuy vậy, ý tưởng cơ bản của “ăn sạch” là theo một cách nào đó, trên đời này có tồn tại một chế độ ăn thanh khiết hoàn hảo giúp bạn tránh được các vấn đề về sức khỏe và thậm chí có thể kéo dài tuổi thọ. Đa số các “chuyên gia” ăn sạch đều khuyên bạn nên thiết lập chế độ ăn dựa trên những loại rau hữu cơ tươi nhất, các loại dầu ép lạnh và nguyên chất nhất. Điều này nghe thật lành mạnh – xét cho cùng, việc ăn nhiều rau hơn một chút và bớt đường đi một chút không phải là vấn đề to tát với đa số chúng ta – nhưng như Nigella Lawson đã nhận định một cách sáng suốt tư tưởng “ăn sạch” vốn dựa trên quan điểm sai lầm chí tử về cả thức ăn lẫn cuộc sống. Năm 2016, Lawson đã viết thế này, “Thức ăn không bẩn, thú vui trần tục đó là một phần thiết yếu của cuộc sống. Chúng ta không thể kiểm soát cuộc sống bằng cách kiểm soát những thứ ta ăn.”
Tôi từng nghe một cô gái trẻ mới ngoài hai mươi kể lại rằng những dịp tụ tập ăn uống vui vẻ bên ngoài cùng bạn bè của cô đã bị hủy hoại bởi tình yêu mà nền văn hóa của chúng ta dành cho “ăn sạch”. Cứ khi nào cô thử gọi thứ gì đó từ thực đơn là một người trong nhóm sẽ xét nét về món đó và gợi ý cô nên chọn thứ gì đó “tốt hơn”: món thuần chay, món không có bột mỳ hoặc không làm từ sữa, món ăn tươi, món gì đó có khoai lang thay vì khoai tây thông thường. Mặc dù không đồng tình với những can thiệp nhỏ đó và vẫn gọi món mỳ ống ưa thích, song cô nhận ra niềm vui thưởng thức bữa ăn của mình đã bị phá hỏng. Không như đối với chứng biếng ăn tâm lý, trong đó nhìn chung người bệnh thường âm thầm chịu đựng một mình; ngược lại, như Renee McGregor lưu ý trong cuốn sách này, hành vi của chứng rối loạn ăn uống chọn lọc thường được thể hiện ở nơi công cộng.
Vì sức khỏe tinh thần và vì lợi ích của thực phẩm tốt, chúng ta cần phải chiến đấu hết sức mình để chống lại ý tưởng rằng trên đời này có một loại thực phẩm “hoàn hảo” hay một cách ăn uống hoàn hảo nào đó. Chúng ta không nên cảm thấy tội lỗi vì có một chế độ ăn đa dạng bởi nó là một thành phần thiết yếu và mang lại niềm vui sống cho con người. “Ăn sạch” – hoàn toàn không đồng nghĩa với lành mạnh – là một khái niệm sai lầm chống lại thực phẩm vì nó khuyến khích bạn lờ đi cảm nhận của bản thân và sợ hãi những thứ nuôi dưỡng mình.
“Ám ảnh ăn sạch” là một sự chỉ dẫn vô cùng tường tận và hữu ích cho cuộc chiến đó, dù chính bạn đang cảm thấy mình có nguy cơ sa vào căn bệnh này, hay bạn đang lo lắng trước những biểu hiện hạn chế thực phẩm nghiêm ngặt của bạn bè hoặc một thành viên trong gia đình. Không ai có đủ chuyên môn để viết về lĩnh vực này tốt hơn Renee McGregor, một chuyên gia về chế độ ăn từng làm việc với rất nhiều bệnh nhân mắc các chứng rối loạn ăn uống, cũng như với các vận động viên Olympic. Cuốn sách này cung cấp những thông tin đáng tin cậy và mang tính thực tiễn cao, là giải pháp cho mớ bòng bong nhân danh “dinh dưỡng”. Nếu bạn muốn biết tại sao các loại đường “không tinh luyện” cũng chẳng ích lợi gì hơn cho sức khỏe của bạn so với đường trắng tinh luyện, tại sao việc kiêng kị gluten (một cách không cần thiết) lại là một ý kiến tồi, hay tại sao nhiều loại sữa từ hạt cứng (nut)1 cũng chỉ tốt hơn chút ít so với các loại nước lã đắt tiền, thì cuốn sách này là dành cho bạn. Tôi chưa bao giờ đọc những lời giải thích nào rõ ràng hơn về việc tại sao carbohydrate, thứ còn xa mới là thành phần có hại trong chế độ ăn, thực ra lại là nguồn năng lượng hữu ích. Nhưng trên tất cả, điều tôi thích nhất ở cuốn sách này là ở nó toát lên một lòng trắc ẩn. Như Renee McGregor đã quan sát, có nhiều người trong chúng ta thiếu lòng trắc ẩn đối với bản thân mình trong vấn đề đồ ăn, dù có mắc chứng rối loạn ăn uống hay không. Những lời cô viết trong cuốn sách thể hiện sự am hiểu sâu sắc về tâm lý học, chúng khuyến khích mọi người phá vỡ các nguyên tắc về thực phẩm, ăn các loại carbohydrate, và tất nhiên, đối xử với bản thân mình tử tế hơn.
3, Về Nhà Ăn Cơm - 45 Công Thức Thuần Chay Cho Mâm Cơm Nhà Bạn
Ăn chay không chỉ còn nằm ở khuôn khổ tâm linh mà ngày nay còn đang dần trở thành xu hướng được nhiều người chọn lựa kể cả những bạn trẻ.
Bởi vậy, càng ngày đồ ăn chay càng được chế biến đa dạng, cầu kì và nhiều dinh dưỡng hơn. Món ăn chay hiện nay không đơn thuần là những món ăn đơn giản với những nguyên liệu chủ yếu từ rau củ, đậu nành, đậu hũ lặp đi lặp lại như trước nữa. Với những nguyên liệu mới, phong phú và cách chế biến đa dạng, món chay đã trở thành món ăn cao cấp, sang trọng với hương vị mới mẻ và được trình bày đẹp mắt.
Với 45 công thức thuần chay đơn giản, dễ nấu trong “Về ăn cơm”- cái tên thân thương gợi lên bữa cơm gia đình đầm ấm sẽ thổi một làn gió mới vào căn bếp nhỏ trong mỗi gia đình để các bạn được tiếp thêm cảm hứng với lối ăn uống lành mạnh này cũng như sẽ đập tan được mọi định kiến của bạn về “ăn chay giả thịt”, hay ăn chay là nhạt nhẽo đã tồn tại trong tâm thức của người Việt suốt một thời gian dài.
Giá sản phẩm trên Tiki đã bao gồm thuế theo luật hiện hành. Bên cạnh đó, tuỳ vào loại sản phẩm, hình thức và địa chỉ giao hàng mà có thể phát sinh thêm chi phí khác như phí vận chuyển, phụ phí hàng cồng kềnh, thuế nhập khẩu (đối với đơn hàng giao từ nước ngoài có giá trị trên 1 triệu đồng).....
Công ty phát hành | Nhiều công ty phát hành |
---|---|
Loại bìa | Bìa mềm |
Nhà xuất bản | Nhiều Nhà Xuất Bản |
SKU | 7606594006225 |