Giới thiệu Sách - Hãy trả lương hằng tháng cho con
Hãy trả lương hằng tháng cho con
Công ty phát hành: Thái Hà Tác giả: Kim Young Ok Dịch giả: Nguyễn Thị Thu Hà Số trang: 256 trang Khổ: 13 x 20.5cm Nhà xuất bản: Lao động Năm xuất bản: 2021
[ThaiHaBooks] “Hãy tiết kiệm…” đó là những lời cha mẹ thường hay nhắc nhở con cái, nhưng những chiếc đầu nhỏ sẽ chẳng thể hiểu vì sao chúng cần phải tiết kiệm và nếu không tiết kiệm thì chuyện gì sẽ xảy ra. Nhưng chỉ biết tích trữ thôi thì đã đủ chưa, hay trong cuộc sống chúng ta cần nhiều hơn thế?
Nếu cha mẹ có con trong độ tuổi tiểu học, lý tưởng là giai đoạn từ lớp 1 đến lớp 3 khi con bắt đầu quan tâm đến tiền tiêu vặt, muốn được quản lý tiền tự chi tiêu, được trực tiếp tiêu tiền khi con bắt đầu những mối quan hệ bạn bè ngoài gia đình. Đây là thời điểm lý tưởng để bố mẹ dạy con cách tiêu tiền, quản lý tiền tiêu vặt và học cách tiết kiệm cũng như chi tiêu hợp lý.
Bởi khi con được lớn lên trong môi trường được dạy quản lý tiền tự chi tiêu đúng đắn sẽ có khả năng lập kế hoạch cao hơn; tính nhẫn nại, khả năng kiềm chế bản thân cũng tốt hơn. Nếu phát triển những năng lực này thì nó không những mang lại hiệu quả trong các mối quan hệ với bạn bè mà còn đưa đến hiệu quả trong thành tích học tập. .. Đây chính là mục đích, cũng là ý nghĩa lớn lao của cuốn sách “Hãy trả lương hằng tháng cho con” ra đời.
Tác giả cuốn sách là một giáo viên dạy kinh tế cho trẻ em từ học sinh tiểu học đến thanh thiếu niên hơn 10 năm, đã từng có đi khắp nơi trên đất nước và dùng kinh nghiệm nhiều năm của mình, cũng như kinh nghiệm từ việc hướng dẫn 2 cô con gái để dạy cho các em học sinh cũng như tư vấn cho cha mẹ những cách thức quan trọng trong việc quản lý tài chính cá nhân.
Trích đoạn sách:
Tình huống 1: CỨ MUỐN GÌ LÀ CHA MẸ SẼ MUA CHO THÌ TẠI SAO CON PHẢI TIẾT KIỆM CƠ CHỨ?
Những đứa trẻ tiêu tiền không biết sợ
Gần đây tôi đã gặp lại cô bạn lâu ngày không gặp. Khi chúng tôi đang chuyện trò về cuộc sống sinh hoạt thường nhật thì cô ấy nói bản thân đã rất bàng hoàng vì một việc. Đó là, trước ngày con khai giảng năm học mới, cô ấy đi cùng con tới cửa hàng văn phòng phẩm lớn và đã tiêu gần 100.000 won để mua dụng cụ học tập cho con.
“Sao cậu lại mua nhiều tiền thế? Cậu định mua hết cả cửa hàng hay sao?”
Tôi hỏi như đùa thì cô ấy lắc đầu nguầy nguậy.
“Con tớ tiêu tiền không biết sợ là gì. Tớ lo quá!”
“Cháu đã mua gì mà tốn như thế? Chắc phải mua hết cửa hàng đúng không?”
“Con chọn mua nhiều loại nhưng quan trọng hơn là con chỉ mua những thứ đắt tiền. Con hoàn toàn không xem giá đắt hay rẻ mà cứ vơ hết vào giỏ ấy!”
Bút bi thôi nhưng cũng có nhiều loại hoàn toàn khác nhau, từ 1.000 đến 10.000 won. Nếu không cân nhắc giá cả thì có thể tiêu hàng trăm nghìn won ngay ở cửa hàng văn phòng phẩm. Con của cô bạn tôi thậm chí còn không cân nhắc đến giá cả mà cứ thỏa thích lựa chọn từ bút bi, bút chì sáp, bộ bút chì màu, đến cả bộ bút máy, v.v.
“Thật là…!!! Sau này mỗi khi đi mua gì, chắc cậu phải dạy cho con biết cách chọn hàng hóa thực chất hơn đó!”
Nghe tôi nói xong, cô bạn lại lắc đầu.
“Tớ phải làm thế mới được, nhưng vấn đề là bố bọn trẻ ấy. Chồng tớ luôn bảo tớ hãy mua tất cả những gì con muốn. Thế nên mới có chuyện như thế này chứ!”
Đúng là như thế. Những ông bố hết mực yêu con đều muốn mua hết những gì con muốn, còn con chỉ cần làm theo những gì bố yêu cầu.
Con cái thì không hiểu về đồng tiền, còn cha mẹ lại không dạy con
Khi giảng dạy về kinh tế và tiền tiêu vặt với chủ đề tiêu thụ, tiết kiệm, chia sẻ cho con cái và cha mẹ tại trường học và nhiều cơ quan, tôi liên tục nghe thấy những lời than phiền giống nhau.
“Dạo này bọn trẻ tiêu tiền không biết sợ.”
“Bọn trẻ không thèm nhìn bảng giá mà cứ chọn liên hồi!”
Tại sao dạo này trẻ con lại tiêu tiền không biết sợ? Bởi lẽ trẻ chưa từng được học về đồng tiền. Trẻ không biết tiền là thực thể như thế nào, có vai trò ra sao trong cuộc sống. Chúng có thể dễ dàng làm những điều hay ho từ tiền cha mẹ cho, nên trẻ chỉ học về việc tiêu tiền. Tiền làm trẻ vui nên trẻ dễ nảy sinh tâm lý: “Chỉ cần có tiền thì đương nhiên sẽ hạnh phúc.” Đứa trẻ lớn lên như thế rốt cuộc sẽ đặt “mục tiêu cuộc đời” vào “tiền”.
Câu chuyện xảy ra phía trên là do cô bạn tôi cho phép con mua đồ thỏa thích. Khi mua bất cứ thứ gì, bạn phải nghĩ đó có phải là món đồ nhất định nên mua hay không, phải cân nhắc tình hình kinh tế của gia đình để quan sát giá cả và mua sắm tiết kiệm hơn. Thế nhưng người lớn lại không dạy những điều này cho con. Thật đáng tiếc là nhiều cha mẹ ở Hàn Quốc không dạy cách con tiêu tiền nhưng lại lo lắng khi con tiêu tiều sai và lên án con.